THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 14
Trong tháng: 60651
Tổng: 1325074
 
Nghiên cứu thực tế
Một số giải pháp nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thái Bình hiện nay

Ngày cập nhật: 10/07/2020

   
Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là một trong hai nhiệm vụ cơ bản của các trường chính trị cấp tỉnh. Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường. Tại Trường Chính trị Thái Bình, nhiệm vụ này luôn được các thế hệ lãnh đạo quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đối với mỗi giảng viên, chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tỷ lệ thuận với việc nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng từng giờ lên lớp. Tuy nhiên, đây là hoạt động khó, đòi hỏi chủ thể phải có sự sâu sắc về nhận thức, dày dặn về kinh nghiệm và cả độ nhậy bén phát hiện vấn đề cần nghiên cứu và tổng kết – những yếu tố đó chính là năng lực của mỗi giảng viên. 
Năng lực là gì? Theo Từ điển Tiếng Việt do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2000, “năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó ở mức độ cao, hoặc năng lực được hiểu là những phẩm chất của con người tạo cho con người đó khả năng hoàn thành có kết quả một quá trình hoạt động nhất định” (1). Năng lực còn được hiểu là “tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy”. Như vậy, năng lực nói chung thường được hiểu là khả năng của chủ thể trong việc thực hiện có hiệu quả tối đa một công việc cụ thể, một hoạt động cụ thể nào đó trong những điều kiện nhất định; là những phẩm chất của con người tạo cho họ có khả năng hoàn thành một công việc nào đó có hiệu quả nhất. 
Vận dụng vào tổng kết thực tiễn, có thể hiểu một cách chung nhất, năng lực tổng kết thực tiễn là khả năng của chủ thể tổng kết thực tiễn một cách có hiệu quả nhất. Nhưng tổng kết thực tiễn là một chu trình gồm nhiều bước: lựa chọn, xác định vấn đề tổng kết; thu thập, xử lý thông tin liên quan đến vấn đề tổng kết để rút ra những bài học kinh nghiệm; vận dụng các bài học kinh nghiệm vào tổ chức thực tiễn tiếp theo. Như vậy, năng lực tổng kết thực tiễn được biểu hiện cụ thể ở khả năng xác định đúng và trúng vấn đề cần tổng kết thực tiễn; khả năng lập kế hoạch, tổ chức lực lượng tổng kết thực tiễn một cách tối ưu nhất; khả năng thu thập, phân tích, xử lý thông tin liên quan tới vấn đề tổng kết một cách kịp thời, chính xác, đúng đắn; khả năng rút ra các bài học kinh nghiệm có tính khái quát cao; khả năng vận dụng các bài học kinh nghiệm vào nhận thức và giảng dạy. 
Trường Chính trị tỉnh Thái Bình là một trong những đơn vị dẫn đầu của hệ thống các trường chính trị toàn quốc về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cấp cơ sở. Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, các thế hệ cán bộ, giảng viên nỗ lực, bền bỉ phấn đấu xây dựng Nhà trường trưởng thành, lớn mạnh và từng bước đổi mới về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Để có được những thành tựu trên, Lãnh đạo nhà Trường luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm, rường cột đó là xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh về mọi mặt. Một trong những giải pháp cơ bản là không ngừng đẩy mạnh đổi mới nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho đội ngũ giảng viên nhà trường. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đã được Ban Giám đốc nhà trường quan tâm, tạo điều kiện nhất định để động viên cán bộ, giảng viên tham gia. 
Hiện nay, lực lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Nhà trường tương đối hùng hậu. Đội ngũ giảng viên Nhà trường có 32 đồng chí: về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo: tiến sỹ: 01 đồng chí, chiếm 3,1%; thạc sỹ và đang học thạc sỹ: 31 đồng chí, chiếm 96,9% (trong đó có 03 đồng chí đang làm nghiên cứu sinh), nhiều đồng chí có 2- 3 bằng đại học[1]. Trong những năm qua, nhiều đồng chí đã được giao chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp ngành, cấp cơ sở. Một số giảng viên trẻ đã mạnh dạn dấn thân vào nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. 
Theo thống kê của phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong 5 năm qua, hoạt động khoa học, tổng kết thực tiễn của Nhà trường đã đạt được những kết quả nhất định. Toàn Trường đã nghiên cứu, tổng kết được 81 đề tài khoa học (trong đó có 01 đề tài khoa học cấp tỉnh, 44 đề tài khoa học cấp trường và 36 đề tài khoa học cấp khoa); có 70 bài báo, tạp chí Trung ương; 117 bài nội san. Hàng năm, Nhà trường tổ chức từ 1-2 hội thảo khoa học[2]. 
Mặc dù đã đạt được một số kết quả trên, tuy nhiên cũng cần thẳng thắn thừa nhận là năng lực tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng Trường Chính trị Thái Bình vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Một số giảng viên bộc lộ hạn chế trong kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng phân tích, tổng hợp, kỹ năng viết; một số giảng viên chưa thật nhiệt tình và say mê nghiên cứu tổng kết thực tiễn. Vì thế, nhiều công trình nghiên cứu, nhiều vấn đề thực tiễn của địa phương đặt ra bức xúc, nóng hổi chưa được tổng kết kịp thời, hoặc đã được tổng kết nhưng vẫn còn hạn chế về chất lượng nghiên cứu với hàm lượng khoa học chưa cao. 
Nguyên nhân của những hạn chế trên gồm: 
Một là, hầu hết các giảng viên có khả năng nghiên cứu, có tố chất làm khoa học, tổng kết thực tiễn đều là những người đã có thâm niên công tác, là những giảng viên kỳ cựu “cây đa, cây đề”; tuy nhiên, đội ngũ này lại tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý nên thời gian dành cho nghiên cứu thường không nhiều. 
Hai là, nhiều giảng viên chưa xác định được hết trách nhiệm và động lực của bản thân trong nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn.  
Ba là, thiếu sự liên kết giữa Nhà trường (đơn vị nghiên cứu, tổng kết) với các đơn vị cơ sở (đơn vị ứng dụng các sản phẩm khoa học). 
Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của đội ngũ giảng viên Trường chính trị Thái Bình hiện nay. 
Một là, từng bước nâng cao trình độ lý luận, trình độ tư duy lý luận cho đội ngũ giảng viên Nhà trường. Đặc biệt đội ngũ giảng viên trẻ. 
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và nghiệm thu sản phảm khoa học hằng năm của giảng viên. Tạo cơ chế bắt buộc để giảng viên có động lực và say mê với vấn đề tổng kết thực tiễn, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của bản thân. Nhà trường sẽ từng bước định hướng các mảng nghiên cứu, khuyến khích các giảng viên tham gia bằng sự động viên, vinh danh và thu nhập. Đồng thời, kết quả nghiên cứu khoa học cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng viên, gắn liền với công tác thi đua - khen thưởng. 
Ba là, việc đi thực tế 15 ngày /năm theo quy chế giảng viên cần được tổ chức thiết thực hơn, hữu ích hơn; gắn kết chặt chẽ giữa đi nghiên cứu thực tế với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giải quyết những vấn đề cấp thiết của khoa, của trường, của địa phương. 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

 [1] Số liệu tính đến hết tháng 6-2020 
 [2] Số liệu từ năm 2015 đến hết năm 2019
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017