THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 1
Trong tháng: 11773
Tổng: 1060188
 
Khoa học - TT - TL
Các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến việc phát huy năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường chính trị Thái Bình

Ngày cập nhật: 09/02/2017

   

Phát huy năng lực nghiên cứu khoa học được hiểu là sự tăng cường, đẩy mạnh việc sử dụng tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm của bản thân mỗi người, giải phóng những tiềm năng sẵn có để các hoạt động khoa học được thực hiện một cách tích cực, tự giác hơn với tinh thần trách nhiệm cao hơn, chất lượng và hiệu quả tốt hơn. Công tác nghiên cứu khoa học, các hoạt động khoa học chỉ có ý nghĩa thiết thực khi con người cần nó, chủ động tìm đến nghiên cứu, khám phá vì thấy nó thật sự có ích lợi cho bản thân, cho cộng đồng. Ở một khía cạnh khác, đó còn là cách thức, biện pháp khuyến khích sự đam mê sáng tạo, nhiệt tình cống hiến của mỗi người vào sự nghiệp chung. Chuyên gia nghề nghiệp John Ruskin từng nói: “Để hạnh phúc trong công việc, điều đầu tiên là bạn phải cảm nhận được mình và công việc là một cặp bài trùng, sau đó là khối lượng công việc vừa phải và nhìn nhận được những thành công trong tương lai”.

Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thái Bình, bên cạnh công tác giảng dạy thì nghiên cứu khoa học được coi là hoạt động không thể thiếu của mỗi giảng viên. Đây là hai nhiệm vụ có quan hệ chặt chẽ và tương hỗ lẫn nhau góp phần nâng cao năng lực, trình độ của giảng viên và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo đó cũng được nâng lên. Khi đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Nhà trường, bên cạnh những ưu điểm như ngày càng được trẻ hóa, tiềm lực sáng tạo dồi dào, được đào tạo chính quy, ít chênh lệch về trình độ, nhận thức khá đồng đều…thì vẫn còn có những hạn chế nhất định như sự ỷ lại, sức ỳ còn lớn, chưa say sưa nhiệt tình, chưa dành nhiều thời gian, tâm sức cho nghiên cứu khoa học…Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, song nguyên nhân lớn nhất là do Nhà trường chưa có biện pháp, cách thức, cơ chế phù hợp để phát huy năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên. Đồng thời, cũng cần phải xác định rõ những nhân tố ảnh hưởng đến công tác này để tập trung tác động một cách hiệu quả.

Xét trong điều kiện hiện nay, có thể kể đến các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến việc phát huy năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên ở Trường Chính trị Thái Bình như sau:

- Một là: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà trường

Vai trò của Đảng ủy, Ban giám đốc trong mọi hoạt động của Nhà trường nói chung, hoạt động khoa học nói riêng, là vô cùng cần thiết. Nếu lãnh đạo thực sự quan tâm, coi trọng và có biện pháp khuyến khích đội ngũ của mình tích cực nghiên cứu khoa học thì lĩnh vực này sẽ luôn quy củ, bài bản, sôi nổi và nghiêm túc. Do đó, các hoạt động khoa học phải được xây dựng trong Kế hoạch công tác của Nhà trường từ đầu năm theo từng tháng, từng quý; có sự chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện dứt điểm; có báo cáo đánh giá tình hình và kết quả cụ thể để rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn.

- Hai là: Trình độ, năng lực, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên

Đây là yếu tố quan trọng, quyết định đến năng lực hoạt động khoa học của Nhà trường, bởi lẽ, người giảng viên nếu có khả năng độc lập nghiên cứu khoa học, tự họ sẽ tự giác, chủ động tìm tòi, khám phá tri thức lý luận và thực tiễn mới. Chỉ khi có trình độ, năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, người giảng viên mới có sự đam mê nghiên cứu khoa học, mới không ngần ngại dành thời gian và công sức cho hoạt động này. Tuy nhiên, những yếu tố này không phải tự nhiên có được mà mỗi người phải trải qua quá trình tự học, tự rèn, tự trau dồi khả năng viết, khả năng quan sát, nhận định, phân tích, đánh giá, xử lý một vấn đề. Vì công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng ngang nhau (như đã đề cập trên) nên người có năng lực giảng dạy cũng đồng thời có năng lực nghiên cứu khoa học (và ngược lại). Hơn nữa, nội dung và phương pháp trong một bài giảng tự thân nó cũng là khoa học. Chỉ những ai chịu "đổ mồ hôi" vì sự nghiệp chung, không coi dạy học chỉ là "nghề kiếm cơm" thuần túy thì lúc đó mới có những sản phẩm khoa học trí tuệ thực sự.

- Ba là: Chế độ, chính sách, kinh phí đối với các hoạt động khoa học

Đây là nhân tố không thể thiếu bởi chế độ, chính sách, kinh phí hoạt động khoa học chính là tiền đề, là đòn bẩy, là động lực quan trọng để động viên, khuyến khích sự nỗ lực của những người làm khoa học. Trong xã hội, lợi ích kinh tế được coi là "động lực cơ bản và trực tiếp", song đối với hoạt động nghiên cứu khoa học nếu được quan tâm thực hiện đúng mức, nó còn cho chúng ta nhiều hơn thế. Chỉ tiêu, định mức công tác, các danh hiệu thi đua chỉ là một phần, điều quan trọng hơn cả là tư cách, phẩm giá, danh dự của một trí thức...e rằng khó có thể "định giá" được trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Những bất cập về chế độ, chính sách, sự quan tâm đãi ngộ chưa thỏa đáng, sự thiếu công bằng trong nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh...là nguyên nhân làm thui chột động lực và sự nhiệt tình của người giảng viên trong nghiên cứu khoa học. Nếu Nhà trường có những quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn, định mức nghiên cứu khoa học, có cách thức quy đổi và chế độ đãi ngộ hợp lý, tương xứng với sự cống hiến thì giảng viên sẽ nỗ lực, say sưa, tâm huyết hơn trong nghiên cứu khoa học.

- Bốn là: Môi trường nghiên cứu khoa học

Năng lực hoạt động khoa học chỉ được phát huy trong một môi trường tốt, bao gồm:

+ Môi trường chuyên môn:

Nói đến môi trường chuyên môn là nói đến những điều kiện, nhân tố thuận lợi cho các hoạt động chuyên môn được diễn ra một cách bài bản, quy củ; là nơi tổ chức các hoạt động chuyên môn một cách nền nếp để nâng cao chất lượng chuyên môn. Một môi trường chuyên môn dân chủ, bình đẳng tạo điều kiện cho mỗi giảng viên thể hiện được năng lực soạn bài, giảng bài, ứng dụng công nghệ tin học trong thiết kế giáo án điện tử, năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn, kết hợp linh hoạt các phương pháp sư phạm.vv..thì tất yếu năng lực chuyên môn của mỗi người sẽ được củng cố và phát huy; đồng thời, năng lực nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên cũng từ đó được nâng  cao. 

+ Tinh thần làm việc:

Không khí khẩn trương, sôi động, cần mẫn, cẩn trọng, nghiêm túc từ mọi hoạt động trong môi trường làm việc và môi trường chuyên môn sẽ thúc đẩy, cuốn hút mọi người vào guồng xoáy bận rộn nhưng đầy đam mê, hứng khởi, đồng thời truyền cảm hứng cho người khác. Ngược lại, tâm trạng thoái mái, vui vẻ, niềm đam mê, sẵn sàng nghiên cứu lại là liều thuốc bổ tạo sự hứng khởi trong công việc, giúp cho chất lượng, hiệu quả, năng lực hoạt động khoa học được nâng lên. Thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc chờ đợi sự đôn đốc, thúc ép từ phía người quản lý hoặc người khác, mỗi người sẽ thử thách chính mình và chịu trách nhiệm với những việc mình làm một cách nghiêm túc nhất có thể. Đôi khi sự ỷ nại trong công việc sẽ là rào cản vô hình làm kiềm chế năng lực làm việc và nghiên cứu khoa học.

+ Điều kiện vật chất, phương tiện nghiên cứu khoa học:

Một nơi làm việc ổn định với phòng làm việc tương đối đầy đủ tiện nghi, máy vi tính, máy in, hệ thống mạng Internet, Thư viện điện tử, cổng thông tin điện tử thông suốt…sẽ góp phần tạo nên môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi. Ngược lại, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu những phương tiện, vật dụng cần thiết nêu trên sẽ cản trở hoặc làm cho các hoạt động khoa học trở nên trì trệ, kém năng động, ít hiệu quả.

Tóm lại: Năng lực hoạt động khoa học của Trường Chính trị Thái Bình có được nâng cao và phát huy tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song cơ bản là ở 4 nhân tố nêu trên. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của các nhân tố này sẽ giúp tạo ra cơ sở đề xuất các biện pháp để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên của Nhà trường trong thời gian tới./.

ThS.Nguyễn Thị Hồng Thuận Trưởng phòng Khoa học-Th
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017