Đổi mới hoạt động đánh giá việc dạy học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại Trường chính trị Thái Bình
Hoạt
động đánh giá việc dạy - học Trung cấp Lý luận chính trị-hành chính ở Trường
Chính trị Thái Bình hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG, ngày 03/02/2010 của Giám đốc Học viện
Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành các Quy chế, Quy định quản lý đào tạo ở các trường Chính trị tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và điều kiện thực tế của Nhà trường.
1. Hoạt động đánh giá việc dạy – học
Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị Thái Bình hiện nay
1.1. Về đánh giá hoạt động dạy:
Trường
Chính trị Thái Bình tổ chức đánh giá việc dạy Trung cấp Lý luận chính trị- hành
chính chủ yếu thông qua hoạt động thao giảng cấp khoa, cấp trường và dự giảng đột
xuất.
* Thao giảng cấp khoa, cấp trường
Thao
giảng cấp khoa, cấp trường ở Trường
Chính trị Thái Bình thực hiện theo Quy định về tổ chức thao giảng, dự giờ ở các
trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo
Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG, ngày 03 tháng 02 năm 2010 của Giám đốc Học viện
Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh).
Thực hiện quy định về tổ chức thao giảng, hàng
năm, Nhà trường ban hành hướng dẫn thao giảng cấp khoa, cấp trường cho năm công
tác. Theo đó, Nhà trường tổ chức thao giảng cấp khoa đối với 100% giảng viên,
hoàn thành trong 6 tháng đầu năm. Trên cơ sở kết quả thao giảng cấp khoa, Nhà
trường lựa chọn 30% giảng viên ở mỗi khoa (bao gồm cả giảng viên kiêm
nhiệm) có kết quả thao giảng cấp khoa đạt từ loại khá trở lên, lấy từ cao xuống
thấp (trừ những giảng viên đã thao giảng cấp trường trong hai năm liền trước)
thực hiện thao giảng cấp trường trong 6 tháng cuối năm, hoàn thành trước 30/11
hàng năm.
Nhà
trường chỉ đạo giảng viên đăng ký thao giảng cấp khoa, khoa chuyên môn xây dựng
kế hoạch thao giảng cấp khoa của cả khoa, gửi về Phòng Khoa học - Thông tin -
Tư liệu để tổng hợp, trình Giám đốc trường phê duyệt vào đầu tháng 2 hàng năm.
Kết thúc thao giảng cấp khoa, các khoa đăng ký kế hoạch thao giảng cấp trường của
năm, chuyển về Phòng Khoa học - Thông tin - Tư liệu tổng hợp, trình Giám đốc
trường phê duyệt vào giữa tháng 8 hàng năm. Kế hoạch thao giảng cấp khoa, cấp
trường bao gồm các nội dung: Tên giảng viên, tên bài thao giảng; số tiết giảng;
lớp giảng, thời gian thao giảng. Trên cơ sở kế hoạch thao giảng, Phòng Khoa học
- Thông tin - Tư liệu phối hợp với các khoa và Phòng Đạo tạo tổ chức thao giảng
hai cấp hàng năm.
Bài
thao giảng thực hiện cả buổi học (bài 4 tiết hoặc 4 tiết của bài 8 tiết trở
lên). Thao giảng cấp khoa giao cho khoa chủ trì, tổ chức thực hiện, đảm bảo
đúng quy định về quản lý chuyên môn. Giao cho Phòng Khoa học - Thông tin - Tư
liệu giám sát quá trình thực hiện, Ban giám đốc thực hiện chế độ dự kiểm tra. Thao
giảng cấp trường phân công cho Phòng Khoa học - Thông tin - Tư liệu tham mưu và
tổ chức thực hiện.
Thao
giảng hai cấp đều tuân thủ theo quy trình 4 bước: Chuẩn bị giáo án, thông qua giáo án, giảng bài trên lớp
và rút kinh nghiệm bài thao giảng.
Để đánh giá chất lượng bài thao giảng, Nhà trường xây dựng
phiếu chấm điểm giáo án và bài giảng, thống nhất sử dụng trong toàn trường.
Phiếu
chấm điểm giáo án tính theo thang điểm 10, bao gồm các nội dung cơ bản: (1) Khung
giáo án (xác định mục tiêu
bài giảng, xây dựng kế hoạch giảng bài chi
tiết, tài liệu phục vụ soạn giảng); (2) Nội dung cụ thể của 5 bước lên lớp (Theo mẫu giáo án năm 2015 của Học viện);
(3) Hình thức trình bày. Trong Bước giảng bài mới, Nhà trường tập trung đánh
giá các nội dung cơ bản như: (1) Trình bày kiến thức cơ bản (bao gồm: đánh giá về lựa chọn KTCB thiết thực,
phù hợp với mục tiêu bài giảng; năng lực
phân tích kiến thức cơ bản; cập nhật kiến thức, thông
tin mới; phân tích các ví dụ minh hoạ, trong đó, coi trọng việc lấy các ví dụ tại
địa phương); (2) Nội dung phát triển kỹ
năng, thái độ; (3) Nội dung học viên làm việc; (4) Nội dung, kỹ năng sử dụng các
phương tiện dạy học.
Phiếu
chấm điểm bài giảng tính theo thang điểm 10, tập trung vào đánh giá việc triển
khai 5 bước lên lớp, bao gồm: (1) Ổn định lớp; (2) Kiểm tra bài cũ; (3) Giảng bài mới; (4) Chốt kiến thức; (5) Hướng dẫn tự học. Bước giảng bài mới tập trung vào
đánh giá các nội dung cơ bản: (1) Kỹ năng trình bày, khai thác kiến thức cơ bản (2) Nội dung phát triển
kỹ năng, thái độ cho người học; (3) Nội
dung, kỹ năng, hiệu quả phát huy tính tích cực học tập của học viên; (4)
Nội dung, kỹ năng, hiệu quả sử dụng các phương tiện dạy học.
Sau một hoặc một số bài thao giảng,
cấp chủ trì thao giảng tổ chức rút kinh nghiệm bài thao giảng, thông báo kết quả
thao giảng. Kết quả bài thao giảng được đánh giá qua kết quả chấm bài soạn và
bài giảng trên lớp. Cách tính điểm và xếp loại bài thao giảng được thực theo quy định của Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Bài thao giảng, sau khi hoàn thành được lập hồ sơ
lưu trữ. Hồ sơ bài thao giảng phản ánh đầy đủ quy trình tổ chức thao giảng. Hồ
sơ thao giảng cấp khoa được lưu tại khoa chủ quản, hồ sơ thao giảng cấp trường
được lưu tại Phòng
Khoa học - Thông tin - Tư liệu. Nhà trường tổ chức kiểm tra hồ sơ thao giảng cấp
khoa hàng năm để đảm bảo các bài thao giảng cấp khoa đều thực hiện đúng quy định
về chuyên môn.
Tỷ lệ giảng viên thao giảng cấp
khoa đạt loại giỏi hàng năm từ 80% trở lên, số còn lại đạt loại khá, không có
loại trung bình hay yếu, kém. Giảng viên thao giảng đạt loại khá thường là các
giảng viên tập sự hoặc giảng viên trẻ. 100% giảng viên tham gia thao giảng cấp
trường đạt loại giỏi.
Thông
qua tổ chức nề nếp hoạt động thao giảng cấp khoa, cấp trường, lãnh đạo khoa
chuyên môn, lãnh đạo Nhà trường đánh giá được năng lực, trình độ của từng giảng
viên và đội ngũ giảng viên; đánh giá được chất lượng, hiệu quả công tác dạy học
của Nhà trường, từ đó, tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo công tác
chuyên môn, đào tạo và sử dụng đội ngũ giảng viên.
* Dự giảng đột xuất
Thực
hiện dự giảng đột xuất, Giám đốc trường căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ quản lý, lựa
chọn bài giảng, giảng viên để dự, thông báo các thành viên Ban giám đốc (hoặc đại
diện), đại diện lãnh đạo khoa chuyên môn, đại diện lãnh đạo Phòng Khoa học -
Thông tin - Tư liệu tổ chức dự giảng đột xuất, chỉ báo trước cho giảng viên từ
5 - 10 phút để chuẩn bị; có thể dự cả bài, hoặc dự một số tiết trong bài; có thể
dự giảng bài mới hoặc bài thảo luận. Các giảng viên dự giảng thực hiện chấm điểm
bài giảng, tiết giảng theo mẫu phiếu chấm điểm bài giảng, tiết giảng và tổ chức
rút kinh nghiệm với người giảng.
Thông
qua hoạt động dự giảng đột xuất, lãnh đạo trường tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát giảng viên thực hiện các quy định về chuyên môn, đánh giá được chất lượng
bài giảng của giảng viên, rút kinh nghiệm về công tác quản lý chuyên môn và góp phần đào tạo giảng viên, qua
đó duy trì được nề nếp giảng dạy, nâng cao được ý thức, trách nhiệm của giảng
viên với công tác chuyên môn.
1.2. Về đánh giá hoạt động học:
Hoạt
động đánh giá việc học Trung cấp Lý luận chính trị- hành chính ở Trường Chính
trị Thái Bình hiện nay chủ yếu thông qua hình thức thi (thi hết môn, thi tốt
nghiệp hoặc viết tiểu luận cuối khoá), được thực hiện theo Quy chế thi, kiểm
tra và xếp loại kết quả học tập (Ban
hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG, ngày 03/02/2010 của Giám đốc Học
viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) và Hướng dẫn số 08/HD-HVCTQG,
ngày 29/5/2014 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Viết tiểu luận cuối khóa và thi tốt nghiệp chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính.
* Về thi hết môn, thi tốt nghiệp
Thực
hiện quy định, thi hết môn được duyệt điều kiện dự thi trước khi thi ít nhất 03
ngày. Thành phần và quy trình duyệt thi bao gồm: Chủ nhiệm lớp lập báo cáo duyệt
thi; chuyên viên Phòng Đào tạo theo dõi lớp kiểm tra, xác nhận; Lãnh đạo Phòng
Đào tạo và lãnh đạo khoa chuyên môn xác nhận; Phó giám đốc phụ trách chuyên môn
kiểm tra và phê duyệt điều kiện thi của lớp. Học viên đủ điều kiện dự thi khi tỷ
lệ chuyên cần đạt từ 90% trở lên và hoàn thành các yêu cầu về học tập và rèn
luyện của môn học.
Đề
thi, đáp án môn thi do khoa chuyên môn chuẩn bị, gửi về Phó giám đốc phụ trách
chuyên môn trước ngày thi ít nhất 03 ngày. Đề thi đảm bảo bám sát nội dung giảng
dạy, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa lý thuyết, bài tập, liên hệ vận dụng vào thực
tiễn để vừa đánh giá được lượng kiến thức học viên đã tiếp thu được, vừa đánh
giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý.
Bài
thi được Phòng Đào tạo quản lý, bảo mật, thực hiện đúng các quy định về nghiệp
vụ chấm thi, đảm bảo tính khách quan, giám sát lẫn nhau giữa Phòng Đào tạo và
khoa chuyên môn. Công tác chấm thi do khoa chuyên môn đảm nhiệm, việc chấm thi
đảm bảo bám sát đáp án, biểu điểm đã được chia nhỏ không quá 0,25 điểm.
* Về tiểu luận cuối khóa
Căn cứ vào
quy định về viết tiểu luận cuối khoá của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh, Phòng Đào tạo lập danh sách 20% học viên có điểm trung bình các môn, phần
học đạt từ 7,0 điểm trở lên (không có điểm môn học, phần học dưới 6, không thi
lại lần 2), lấy từ cao xuống thấp để trình Phó giám đốc phụ trách chuyên môn quyết
định. Nhà trường bố trí thời gian hướng dẫn học viên viết tiểu luận cuối khóa.
Học viên căn cứ vào chức danh, nhiệm vụ công tác để đăng ký đề tài tiểu luận
phù hợp. Phòng Đào tạo căn cứ vào tên đề tài tiểu luận, chuyên môn của giảng
viên các khoa để dự kiến phân công giảng viên hướng dẫn, trình lãnh đạo trường
quyết định phân công giảng viên hướng dẫn viết tiểu luận. Tiểu luận cuối khóa được chấm 2 vòng, do 02 giảng
viên chấm điểm độc lập. Điểm tiểu luận là trung bình cộng điểm chấm của hai giảng
viên.
Thực
hiện các hoạt động đánh giá việc học theo quy định trên, kết quả tốt nghiệp các
khoá đào tạo của Nhà trường trong một số năm vừa qua như sau: Tỷ lệ học viên đỗ
tốt nghiệp loại Giỏi đạt từ 1-5%, loại Khá đạt từ 35- 50 %, còn lại là trung
bình. Tùy theo đối tượng học viên mà chất lượng xếp loại khác nhau, cá biệt có
trường hợp học viên thi không đạt phải thi lại lần hai.
Bên
cạnh hình thức đánh giá việc học của học viên bằng hoạt động thi, kiểm tra, viết
tiểu luận cuối khoá, Nhà trường còn áp dụng một số hình thức đánh giá không chính
thức khác như: Đánh giá ý thức, thái độ học tập, rèn luyện của học viên thông
qua tỷ lệ chuyên cần và tinh thần chấp hành nội quy, quy chế, quy định của Nhà
trường; đánh giá năng lực nhận thức, tinh thần học tập của học viên thông qua
kiểm tra bài cũ, nội dung thầy trò trao đổi trong quá trình giảng bài và các buổi
thảo luận trên lớp.
2. Một số giải pháp cơ bản đổi mới
công tác đánh giá hoạt động dạy – học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại
Trường Chính trị Thái Bình trong thời gian tới
2.1. Đối với hoạt động dạy:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể
với giảng viên những quy định về công tác chuyên môn và yêu cầu của Nhà trường
về đổi mới cách dạy, cách học, cách thi.
Hai là, tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ,
khoa học hoạt động thao giảng cấp khoa, cấp trường. Nhà trường rút kinh nghiệm
những hạn chế trong tổ chức thao giảng những năm trước, có biện pháp cụ thể,
thiết thực nâng cao nhận thức của giảng viên về ý nghĩa, tác dụng của hoạt động
thao giảng cấp khoa, cấp trường; nâng cao vai trò, trách nhiệm của trưởng, phó
khoa, phòng, thành viên hội đồng khoa học Nhà trường về công tác thao giảng.
Xây dựng cơ chế gắn chặt kết quả thao giảng với đánh giá, xếp loại giảng viên
và công tác thi đua, khen thưởng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ.
Ba là, tăng cường hoạt động dự giảng đột xuất để
đưa công tác chuyên môn đi vào nề nếp và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhất là
các giảng viên trẻ, giảng viên có năng lực giảng dạy hạn chế.
Bốn là, tiến hành nghiên cứu mô hình,
phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các nước tiên tiến trên thế giới, tạo
ra nhận thức đột phá về mô hình, phương pháp đào tạo lý luận chính trị cho cán
bộ, từ đó, có tư duy, quan điểm chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp dạy học
phù hợp, hiệu quả. Trên cơ sở đó, xây dựng lại phiếu chấm điểm giáo án, bài giảng,
tiết giảng phù hợp, làm cơ sở cho cho việc đánh giá hoạt động dạy đi vào khoa học,
hiệu quả.
Năm là, nghiên cứu hình thức và cơ chế
phù hợp để lấy ý kiến đánh giá khách quan của học viên về chất lượng, hiệu quả
các bài giảng.
2.2. Đối với hoạt động học:
Một là, tiến hành đổi mới cách thức thi tự
luận một cách khoa học, nghiêm túc, hiệu quả theo hướng: Xây dựng hướng dẫn chi
tiết về công tác thi, kiểm tra và khoá luận tốt nghiệp. Trong đó, hướng dẫn chi
tiết về đổi mới cách ra đề thi, yêu cầu về đáp án; quy trình xây dựng, quản lý,
sử dụng ngân hàng đề thi môn học, phần học; cách chấm thi; quy trình tổ chức chấm,
quản lý bài thi, quản lý và công khai điểm thi. Tổ chức xây dựng ngân hàng đề
thi các môn học trong chương trình đào tạo.
Hai là, đa dạng hoá hình thức thi, kiểm
tra theo hướng: Áp dụng thêm hình thức thi trắc nghiệm và thi vấn đáp phù hợp với
tính chất, đặc thù môn học, phần học; theo đó, tiến hành xây dựng bộ đề thi trắc
nghiệm và thi vấn đáp.
Ba là, đổi mới hoạt động thi, kiểm tra theo hướng phù
hợp năng lực học viên, đảm bảo nghiêm túc, thực chất. Đổi mới cách ra đề thi theo
hướng hạn chế yêu cầu học thuộc; tăng cường kiểm tra học viên hiểu bài, tư duy
sáng tạo, liên hệ, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; duy trì đề thi không sử dụng
tài liệu; tổ chức coi thi nghiêm túc; chỉ đạo xây dựng đáp án vừa sức, đánh giá
được học viên hiểu bài, biết phân tích, biết
vận dụng kiến thức, đáp án có phần cứng về lý thuyết, có phần mềm về liên hệ, vận
dụng, xử lý tình huống, có độ mở để khuyến khích học viên sáng tạo…đi đôi với tập
huấn, quán triệt giảng viên về cách chấm thi cho phù hợp.
Bốn là, tăng cường tuyên truyền nâng cao
nhận thức, thay đổi thói quen tư duy của học viên, từ học để thi, học để lấy bằng
cấp, sang học thực, học để hiểu biết, học để nâng cao năng lực, trình độ, học để
làm việc, coi học tập là con đường cơ bản để phát triển bản thân, nâng cao năng
lực làm việc, từ đó thay đổi suy nghĩ, tâm thế, ý thức, hành vi trong học tập;
khuyến khích học viên chủ động, tự giác học tập; khuyến khích học viên trao đổi,
thảo luận, liên hệ vận dụng kiến thức vào công việc; khuyến khích tư duy sáng tạo.
Năm là, xây dựng cơ chế, hình thức để lấy
ý kiến của học viên vào các hoạt động, quyết định liên quan đến đổi mới cách dạy,
cách học, cách thi, cách quản lý, phục vụ nhằm phát huy trí tuệ xã hội, đưa các
quy định, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường gắn với nhu cầu thiết thực,
phù hợp với người học.
Sáu là, xây dựng cơ chế, hình thức định kỳ
lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của các cơ quan, cá nhân sử dụng cán bộ và nhân
dân địa phương về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sự phát triển của cán bộ
sau đào tạo, bồi dưỡng; về yêu cầu kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng,
tư duy, thái độ cần được bồi dưỡng, trau dồi cho cán bộ lãnh đạo quản lý từng cấp./.
TS. Nguyễn Đức luận Phó Giám đốc Trường