THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 71
Trong tháng: 9523
Tổng: 930095
 
Đào tạo - bồi dưỡng
Nâng cao năng lực đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở Trường chính trị Thái Bình hiện nay

Ngày cập nhật: 13/02/2017

   

ThS.Vũ Thị Hồng Hoa
Trưởng Khoa nhà nước và pháp luật

 

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Thái Bình nói chung, Trường Chính trị Thái Bình nói riêng chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều hạn chế; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thiếu chiến lược phát triển; ít chương trình đào tạo, bồi dưỡng; đội ngũ giảng viên còn nhiều hạn chế cả về năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa cao. Nguyên nhân cơ bản của những tồn tại trên là năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều hạn chế; việc xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên còn nhiều bất cập; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học...Vì vậy, để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường chính trị Thái Bình, cần tập trung vào các vấn đề sau đây:

Thứ nhất, nâng cao năng lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trường, nhất là người đứng đầu đơn vị

Để nâng cao năng lực của mình, cán bộ lãnh đạo, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức cần thực hiện tốt:

Một là, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn để tạo dựng quyền uy (quyền lực lãnh đạo) và sự quy phục của cán bộ, giảng viên trong Nhà trường.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn, chủ động đón nhận sự thay đổi, học tập để có thể thích ứng với yêu cầu đổi mới đào tạo, bồi dưỡng. Tích cực tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn theo lĩnh vực chuyên môn của mình để trao đổi, đóng góp ý kiến cùng đồng nghiệp; tham gia các hội thảo chuyên đề, viết bài cho các tạp chí chuyên ngành và Bản tin nội bộ; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn ở địa phương. 

Người lãnh đạo cần phải khẳng định được năng lực chuyên môn của mình thông qua việc xử lý các tình huống, nhận xét, đánh giá giảng viên hoặc đưa ra các quyết định quản lý về chuyên môn (giải quyết những xung đột về chuyên môn giữa các giảng viên; nhận xét, đánh giá chuyên môn của giảng viên qua dự giờ, thao giảng; phân công chuyên môn...). Lãnh đạo chuyên môn muốn có hiệu quả luôn đòi hỏi người lãnh đạo phải có chuyên môn vững vàng.

Tạo dựng uy tín trong tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường. Nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn là việc cần làm để người lãnh đạo tạo dựng uy tín trong tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường. Sự công bằng, chính xác, khách quan trong nhận xét, đánh giá chuyên môn sẽ tạo ra sự tin tưởng và tín nhiệm đối với người lãnh đạo không chỉ về nhân cách mà cả về năng lực chuyên môn. Hơn nữa, giảng viên trẻ phấn đấu vươn lên rất cần người lãnh đạo có chuyên môn vững vàng để giúp đỡ họ, tiếp sức cho họ và là tấm gương để họ noi theo.

Hai là, rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo để trở thành nhà lãnh đạo thuần thục công việc tổ chức, quản lý Nhà trường.

Rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch, chiến lược phát triển Nhà trường. Trước khi lập kế hoạch phải làm tốt công tác đánh giá tình hình, dự báo chiều hướng phát triển, xác định mục tiêu và các giải pháp một các đồng bộ, có tính khả thi cao.

Rèn luyện kỹ năng ra quyết định, giải quyết vấn đề để ra được những quyết định chính xác, giải quyết vấn đề nhanh, gọn, hiệu quả. Người lãnh đạo phải nắm chắc và thực hiện thành thạo quy trình ra quyết định (phát hiện vấn đề, thu thập thông tin, phân tích, dự thảo quyết định, thảo luận dân chủ, ban hành quyết định). Khi ra các quyết định về ban hành quy chế, quy định, công tác cán bộ, phân công giảng dạy, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng... phải luôn cân nhắc đến tất cả những lợi thế và rủi ro, lường trước khó khăn trong quá trình thực hiện quyết định để có các giải pháp ứng phó. Giải quyết vấn đề phải thật sự công bằng và nhanh nhạy trên cơ sở nắm bắt thời cơ thuận lợi, không chậm chạp nhưng cũng đừng quá vội vàng để không đẩy sự việc thêm phức tạp và làm giảm uy tín của người lãnh đạo, quản lý Nhà trường.

Rèn luyện kỹ năng giao quyền, giao việc, phân công, bố trí lao động hiệu quả. Người lãnh đạo phải biết phát hiện nhân tài, phân quyền và phân bổ công việc một cách hợp lý. Giao việc phải rõ ràng, cụ thể, đúng người, đúng việc; phân công, bố trí lao động phải hài hòa giữa các yếu tố: năng lực làm việc, kinh nghiệm, sức khỏe, điều kiện làm việc.

Rèn luyện kỹ năng tổ chức, điều hành cuộc họp. Người lãnh đạo phải làm tốt công tác chuẩn bị cho cuộc họp. Điều hành cuộc họp mạch lạc, đúng trọng tâm, khai thác được trí tuệ tập thể. Kết luận cuộc họp ngắn ngọn, rõ ràng và vạch rõ lộ trình thực hiện. Sau khi họp, phải đánh giá, rút kinh nghiệm về cuộc họp và giám sát quá trình thực hiện kết luận của cuộc họp.

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình. Người lãnh đạo phải biết lắng nghe, biết truyền tải thông tin để thuyết phục cấp dưới tin mình, theo mình.

Rèn luyện kỹ năng truyền cảm hứng. Người lãnh đạo phải say mê với công việc, hiểu nhân viên của mình, biết lắng nghe và chia sẻ với cấp dưới, không lạm dụng mệnh lệnh hành chính, luôn đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể để có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.

Rèn luyện kỹ năng tạo động lực cho cán bộ, giảng viên, học viên... Người lãnh đạo phải mở rộng dân chủ; khen thưởng kịp thời, rõ ràng; phê bình, nhắc nhở nhẹ nhàng, kín đáo; tạo ra môi trường làm việc thân thiện, đoàn kết, quan tâm giúp đỡ cấp dưới khi họ gặp khó khăn, vướng mắc. 

Ba là, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong để trở thành người lãnh đạo có tâm với sự phát triển của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, được cán bộ, giảng viên nể trọng.

Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải tích cực tự sửa mình, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nêu cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của Nhà trường. Mở rộng dân chủ, lắng nghe các ý kiến của cán bộ, giảng viên, học viên, kể cả những ý kiến trái chiều để phân tích, nhận định, đánh giá khách quan, sát thực để từ đó, có quyết định đúng đắn.

Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý của Trường cần tăng cường kiểm tra giám sát, công khai, minh bạch. Khuyến khích làm việc theo nhóm để nâng cao nhận thức về sự hợp tác và tận dụng sức mạnh, trí tuệ tập thể. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giảng viên. Đào tạo, bồi dưỡng người kế cận có đủ phẩm chất, năng lực để kế thừa, phát huy thành quả, tiếp tục sự nghiệp phát triển Nhà trường theo mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Như vậy, người lãnh đạo, quản lý ở Trường Chính trị là lãnh đạo trí thức nên đòi hỏi phải có “Tâm”, có “Tài”, có “Tầm”; tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, trau dồi phẩm chất đạo đức để thực sự trở thành người đứng đầu, lãnh đạo Nhà trường có hiệu quả.

Thứ hai, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc đội ngũ giảng viên của Nhà trường

Chất lượng đội ngũ giảng viên là nhân tố hàng đầu quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Vì vậy, để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng  phải từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Nhà trường, bao gồm:

Một là, làm tốt công tác tuyển chọn giảng viên.

Tuyển chọn là khâu “đầu vào” trong xây dựng đội ngũ giảng viên. Chất lượng đầu vào có tốt thì quá trình xây dựng đội ngũ giảng viên mới thuận lợi và đạt chất lượng cao. Vì vậy, song song với công tác thi tuyển viên chức của Tỉnh thì Nhà trường vẫn phải duy trì việc sơ tuyển và giảng tuyển để người dự thi tuyển giảng viên đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

- Tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá, giỏi. Ưu tiên sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.

- Có phương pháp truyền đạt tốt, không nói ngọng, nói líu, nói lắp; có kỹ năng thuyết trình, phân tích, giảng giải vấn đề. Tuyển chọn giảng viên nhất thiết phải thông qua giảng từ 50 - 60 phút. Hội đồng khoa học Nhà trường nghe, đánh giá khả năng diễn đạt, phương pháp sư phạm, giọng nói của thí sinh dự tuyển.

- Có phẩm chất tốt, tích cực tham gia các phong trào. Ưu tiên sinh viên được kết nạp vào Đảng trong thời gian học tại trường Đại học, Học viện.

- Sức khỏe tốt, ngoại hình cân đối.

Hai là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên.

Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn thông qua tạo điều kiện cho giảng viên đi học cao học, nghiên cứu sinh, tham gia các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, hội thảo, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế và các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn khác tại trường (dự giờ, thao giảng, thông qua bài soạn, sinh hoạt chuyên môn của khoa...). Trường Chính trị tỉnh phấn đấu đến năm 2020, trên 85% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, mỗi khoa có một tiến sĩ. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế của giảng viên. Chuyển mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế ở Nhà trường sang nghiên cứu phục vụ đổi mới quản lý, xây dựng chương trình bồi dưỡng theo chức danh, nâng cao chất lượng giảng dạy. Tăng kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tiễn hàng năm; giao đề tài nghiên cứu khoa học cho giảng viên phù hợp với khả năng nghiên cứu và điều kiện của Nhà trường. 

Giảng viên giỏi phải có hệ thống kỹ năng sư phạm sâu sắc và luôn thích ứng với nhiều đối tượng học viên, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Những kỹ năng sư phạm giảng viên cần rèn luyện là: kỹ năng diễn đạt, kỹ năng đối thoại với học viên trong giờ giảng, kỹ năng tổng hợp kết luận trong phát vấn, kỹ năng tổ chức thảo luận, kỹ năng quản lý lớp...

Rèn luyện phẩm chất đạo đức của giảng viên cần tập trung vào rèn ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương (chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định, quy chế của Nhà trường); có ý thức trách nhiệm với việc thực hiện nhiệm vụ được giao; tác phong, lề lối làm việc; tinh thần hợp tác, tương trợ; lối sống.

Ba là, sàng lọc đội ngũ giảng viên.

Để làm được việc này, lãnh đạo Nhà trường phải xây dựng được các tiêu chí đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên, có lộ trình để giảng viên phấn đấu đạt được các tiêu chí đã đề ra. Hàng năm, thông qua dự giờ, thao giảng, phiếu nhận xét của học viên để đánh giá, xếp loại giảng dạy của giảng viên.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức, giảng viên thỉnh giảng hùng hậu, có chất lượng cao.

Đa dạng hóa chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đòi hỏi Trường Chính trị phải xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức, giảng viên thỉnh giảng hùng hậu, có chất lượng cao. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, quản lý nên khi tham gia giảng dạy sẽ góp phần quan trọng trong việc gắn lý luận với thực tiễn, người học sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn.

Bên cạnh đó, Nhà trường cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, tạo dựng môi trường thuận lợi và nâng cao đời sống của cán bộ, giảng viên, học viên.

Thực hiện được những vấn đề đó, Trường Chính trị Thái Bình sẽ nắm bắt được những cơ hội, điều kiện thuận lợi để tiếp tục vươn lên, phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh, đúng như mục tiêu đào tạo bồi dưỡng hiện nay theo quan điểm của Đảng ta: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả bồi dưỡng góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chuyên viên có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế”./.

 

 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017