THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 39
Trong tháng: 61755
Tổng: 1326178
 
Bài viết chuyên đề
Chi bộ khoa xây dựng Đảng học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

Ngày cập nhật: 20/01/2021

   
1. Đại đoàn kết là chiến lược của cách mạng 
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”[1]. Vì thế, 8 chữ “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” là mục đích của Đảng và Đảng thực hiện đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc.  
Khát vọng dân tộc được độc lập, tự do và thống nhất, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc là mẫu số chung, là điểm gốc để quy tụ tất cả mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong một mặt trận thống nhất chính là để tập hợp và lãnh đạo quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong khối đại đoàn kết đó, Đảng là một thành viên của Mặt trận, đồng thời là lực lượng lãnh đạo, vì vậy Đảng không chỉ xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc mà còn phải biến nguồn sức mạnh được tổ chức thành một khối vững chắc và hoạt động theo đường lối chính trị đúng đắn đó thành lực lượng vật chất, sức mạnh vật chất. Theo Người, “trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác”[2] 
Trong Mặt trận, việc đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân, các đảng phái, các dân tộc anh em, giữa đồng bào lương với đồng bào các tôn giáo khác được thực hiện theo phương châm “cầu đồng tồn dị” tức là tìm đến cái chung nhưng vẫn giữ được cái riêng, cái khác biệt, để cùng nhau sống hoà thuận, ấm no, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giác ngộ, tập hợp trí thức Việt Nam vào hàng ngũ cách mạng, bổ sung và phát huy vai trò của họ, làm cho họ trở thành một động lực cách mạng quan trọng; đồng thời khẳng định liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân. Thực tế cho thấy, liên minh công - nông - trí (trí thức) không những là yêu cầu khách quan về chính trị, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là yêu cầu khách quan để phát triển bền vững kinh tế, vǎn hoá, xã hội của đất nước. Tuỳ theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, Mặt trận có cương lĩnh, điều lệ phù hợp, được tổ chức chặt chẽ, xây dựng trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí đã luôn lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Khối đại đoàn kết dân tộc chỉ thực sự phát huy được sức mạnh nội sinh khi gắn liền với đoàn kết quốc tế, nghĩa là chủ nghĩa yêu nước chân chính phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, sức mạnh dân tộc phải gắn với sức mạnh thời đại. Thực tiễn cách mạng cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khối liên minh đoàn kết 3 nước Đông Dương (Việt Nam - Lào - Campuchia), của các nước xã hội chủ nghĩa và  phong trào nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng là những minh chứng sống động cho việc xây dựng và thực hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  
2. Một số nội dung, giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc hiện nay 
2.1. Nhận thức đúng đắn vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 
Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, cũng như quan điểm của Đảng ta về đoàn kết trong tình hình mới. Nhận thức đúng về nội dung và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Quán triệt và vận dụng, phát triển tư tưởng của Người phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, phải thấu suốt quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng ta, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.  
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta về đoàn kết trong tình hình mới. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể nước ta, Đại hội XII chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”[3]. Xây dựng khối đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược nhất quán, cơ bản và lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Với tình hình quốc tế và trong nước hiện nay, đường lối chiến lược tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đang trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng thời, khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân;...”[4]. Đó là kết quả tư duy chính trị sáng tạo của Đảng ta, nhằm phát huy hơn nữa bài học về sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. 
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, phải thường xuyên nêu cao cảnh giác cách mạng, kiên định với mục tiêu chiến lược, không ngừng củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, coi đó là động lực chủ yếu để phát triển đất nước. 
Chú trọng bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân - tập thể - toàn xã hội; thực hiện dân chủ gắn với giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, tinh thần tự lực tự cường xây dựng đất nước; xem đó là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc. 
Không những phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực dân tộc mà còn phải mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực quốc tế để phát triển đất nước.Trong điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải củng cố sự đoàn kết với phong trào cách mạng các nước, đồng thời phải nắm vững phương châm ngoại giao mềm dẻo, có nguyên tắc nhằm thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại hiện nay của Đảng và Nhà nước ta là: Việt Nam muốn là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. 
2.2. Nắm vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu trong tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế 
Trên cơ sở nắm vững nguyên tắc về đại đoàn kết, tích cực, chủ động khơi dậy và phát huy những yếu tố tương đồng; sự phù hợp về lợi ích trước mắt và lâu dài trong cộng đồng dân tộc cũng như quốc tế. Đảng ta khẳng định: “... lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc”[5]. Đồng thời, trong củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết, đồng thời phải khéo xử lý các mối quan hệ giữa bộ phận với toàn cục, dân tộc với giai cấp, quốc gia với quốc tế trong tình hình mới, nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thế và lực cho cách mạng nước ta tiếp tục vững bước trên con đường phát triển đất nước theo định hướng XHCN. 
Phát huy nội lực trên cơ sở coi trọng việc phát huy vai trò dân chủ đi đôi với củng cố và hoàn thiện pháp luật, xây dựng bầu không khí cởi mở, tin cậy, tạo nên sự đồng thuận trong toàn xã hội.  Tích cực, chủ động mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”[6].  
Song tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế phải trên cơ sở “giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tối đa nội lực, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế”[7]. Việc giải quyết các vấn đề trong quan hệ quốc tế, phải trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và được thực hiện trên cơ sở “thấu tình, đạt lý”. 
Phân biệt rõ đối tượng, đối tác trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Cần phải nắm hiểu một cách sâu sắc rằng: “trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”[8]. Mặt khác, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết hiện nay phải được gắn liền với cuộc đấu tranh chống mọi khuynh hướng sai lầm lệch lạc, cô độc hẹp hòi, tự ty dân tộc hoặc đoàn kết vô nguyên tắc, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng làm suy yếu khối đại đoàn kết.  
2.3. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế    
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết. Khẳng định điều này, Đảng ta nêu rõ: “Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[9], đồng thời là điều kiện quan trọng hàng đầu trong xây dựng, củng cố đoàn kết quốc tế. 
Đảng phải nắm vững và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản và phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Quán triệt nguyên tắc và phương pháp đại đoàn kết Hồ Chí Minh, chúng ta cần tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng một cách khoa học; nhạy bén, linh hoạt đề ra các chính sách đúng đắn trong giải quyết các mối quan hệ trong nước và quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại của Đảng, Nhà nước với ngoại giao nhân dân; chủ động tìm tòi, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp để đưa các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự nêu một tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết, tận tụy vì nước, vì dân; lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới bảo đảm tính thuyết phục, cảm hóa lòng người. 
Đảng vừa phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng cụ thể, vừa phải chú trọng việc đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng và Nhà nước phải hết sức quan tâm, chăm lo đến việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy cao nhất vai trò của Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. 
Đảng phải chủ động xây dựng hệ thống chính sách đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích thiết thực của các tầng lớp nhân dân, khích lệ được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, hướng mọi hoạt động của các tổ chức, lực lượng, đoàn thể vào thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 
3. Học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc ở Chi bộ khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thái Bình   
Trong những năm qua, chi bộ khoa Xây dựng Đảng luôn quán triệt tư tưởng đoàn kết, coi đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc quan trọng trong xây dựng chi bộ, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng và hành động. Chi bộ thường xuyên nắm bắt, giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên; chăm lo xây dựng khối đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần cộng sự trong công tác, tinh thần trách nhiệm với công việc của giảng viên trong khoa. Đồng thời, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, biểu hiện mất dân chủ, quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm, suy thoái về đạo đức lối sống và các tiêu cực khác. Công tác tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ được coi trọng, qua đó nâng cao tinh thần đoàn kết của đảng viên trong chi bộ. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong tình hình mới, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau: 
Một là, cấp ủy, lãnh đạo khoa cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt tư tưởng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức; trong đó, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đó là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chi bộ khoa và đội ngũ giảng viên phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, hiệp lực trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 
Hai là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đội ngũ cán bộ và giảng viên của khoa thông qua giảng dạy cần làm tốt việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết, khuyến khích, động viên phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân gắn với thực hiện tốt trách nhiệm của công dân, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”, góp phần xây dựng Chi bộ khoa trong sạch, vững mạnh. 
Ba là, nâng cao vai trò hạt nhân đoàn kết của cấp ủy và chi bộ khoa, cùng với vai trò đội ngũ của đảng viên trong khoa. Để nâng cao vai trò đoàn kết  của chi bộ khoa, trong sinh hoạt chi bộ thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, mỗi đảng viên trong quá trình thực hiện nguyên tắc này phải quán triệt tinh thần của nguyên tắc đó là đảm bảo tính giáo dục, tính khách quan, trung thực và kịp thời. Từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình công tác, tạo ra sự đồng thuận về tư tưởng. Trong sinh hoạt chi bộ, đảng viên được cung cấp đầy đủ các thông tin, được thảo luận, bàn bạc và phát biểu ý kiến một cách công khai, dân chủ các vấn đề liên quan đến công việc chuyên môn, công việc của cơ quan, đoàn thể, phát huy trí tuệ tập thể, qua đó nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tạo nên sự đồng thuận và phối hợp công tác giữa các đồng nghiệp trong Khoa. 
Bốn là, tổ chức động viên cán bộ, đảng viên, giảng viên trong khoa tích cực, chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Thông qua các phong trào thi đua sẽ phát huy được các nguồn lực của mỗi cá nhân và tập thể, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và đồng thuận, hướng tới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. 
Năm là, chi bộ thường xuyên nắm bắt, giải quyết kịp thời để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của giảng viên trong khoa về những lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp theo quy định của Đảng, Nhà nước, trong tỉnh và Nhà trường. Chăm lo xây dựng khối đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần cộng sự trong công tác, tinh thần trách nhiệm với công việc, phát huy vai trò gương mẫu, dẫn dắt của lãnh đạo khoa, bảo đảm công bằng và bình đẳng theo chức trách nhiệm vụ được giao; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích của tập thể và toàn xã hội. Cùng với việc giải quyết đúng đắn và hợp lý các quan hệ lợi ích, cần đẩy mạnh và không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập tự chủ, tinh thần tự lực tự cường trong công việc chuyên môn, góp phần xây dựng chi bộ khoa về mọi mặt; củng cố và phát triển khối đại đoàn kết trong toàn khoa, coi đó là những yếu tố quan trọng để không chỉ phòng và chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch mà còn góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”./. 
--------------------
Tài liệu tham khảo.

[1] Trích thư gửi đồng bào ngày 14/10/1945 
[2]  Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 9, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, HN 2011, trang 90. 
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158. 
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.235, 236. 
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.158. 
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.153. 
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.236. 
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.66. 
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.160.
Thạc sỹ. Lê Mai Phương - Giảng viên khoa xây dựng
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017