THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 90
Trong tháng: 61451
Tổng: 1325874
 
Bài viết chuyên đề
Vai trò của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày cập nhật: 03/02/2022

   
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ. 
Nét đặc sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là sớm tham gia các tổ chức tiền Mác xít và luôn hướng các tổ chức ấy vào việc xây dựng một Đảng cộng sản chân chính. Trước năm 1930, tuy chỉ mới biết con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua chuyến đi thực tế tìm hiểu tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) nhưng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tự quyết định hướng theo con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đó là con đường cách mạng vô sản. 
Sau khi học xong tiểu học tại Thái Bình, Nguyễn Đức Cảnh được đưa sang Nam Định học Trường Thành Chung. Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện mở rộng tiếp xúc với mọi người, với mọi luồng tư tưởng mới. Nhờ đó, Nguyễn Đức Cảnh hiểu thêm những nghịch cảnh mà anh đã trải qua và những bất công đang diễn ra hằng ngày ở ngay trong trường đang theo học và nơi phố phường Thành Nam. Có lẽ đây là điểm tựa đầu tiên để Nguyễn Đức Cảnh hăng say tìm hiểu những hoạt động chống Pháp của các bậc tiền bối và tự tham gia các phong trào dân chủ công khai như: đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Khởi đầu quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại Hà Nội là việc lựa chọn làm công nhân ở xưởng in Lê Văn Tân và tiếp đó là gia nhập nhóm “Nam Đồng thư xã”, tổ chức này sau phát triển thành tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng. Tuy nhiên, Việt Nam Quốc dân Đảng ra đời trong lúc các cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập tại Quảng Châu - Trung Quốc đang mở rộng và hoạt động mạnh mẽ ở trong nước.  
Vào tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lư Hồng Nhật sang Quảng Châu (Trung Quốc), gặp Tổng bộ Thanh niên để thực thi nhiệm vụ mà Quốc dân Đảng giao cho. Đến Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh và Lư Hồng Nhật không gặp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhưng vẫn kịp dự lớp học chính trị của Tổng bộ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng do đồng chí Hồ Tùng Mậu huấn luyện. Qua học tập, cả hai đều dứt khoát ly khai tổ chức Quốc dân Đảng, tự nguyện gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, chuyển từ lập trường Quốc dân đảng sang lập trường Cộng sản. Nguyễn Đức Cảnh xác định rõ tư tưởng: “Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo”. Những nhận thức trên đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Cống hiến của Nguyễn Đức Cảnh trong thời kỳ này là tuyên truyền giáo dục công nông về vai trò to lớn của họ, đẩy mạnh chủ trương “vô sản hóa” và xây dựng tổ chức cơ sở của Thanh niên trong các địa bàn. Dưới sự lãnh đạo của Bí thư Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Vũ Thị Mai, Huỳnh Công Thái được cử đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ. Cùng với phong trào đấu tranh của cả nước những hoạt động và chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng các đồng chí lãnh đạo đã đưa phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam trưởng thành nhanh chóng. 
Một sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam là sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên ở số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội) tháng 3/1929. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở nước ta, đóng vai trò nòng cốt cho việc chuẩn bị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngay sau khi thành lập Chi bộ Hàm Long, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Ngô Gia Tự khẩn trương chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng. Tuy đây chỉ là một chi bộ độc lập, nhưng ảnh hưởng của nó nhanh chóng lan tỏa ra khắp cả nước và có tác động rất to lớn trong việc thúc đẩy cho sự ra đời của một Đảng giai cấp công nhân Việt Nam, để đáp ứng đòi hỏi của phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ. Trước yêu cầu đòi hỏi của phong trào công nhân, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương lâm thời giao cho phụ trách công tác công vận. Ngày 28/7/1929, thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương lâm thời giao cho phụ trách công vận, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu công nhân ở các tỉnh Bắc Kỳ, tại số nhà 15, phố Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội nhận định phong trào công nhân trong toàn xứ, biểu dương phong trào, uốn nắn và rút kinh nghiệm các cuộc đấu tranh. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ và định ra nhiệm vụ công tác mới cho phong trào công nhân và bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm hội trưởng lâm thời. Phong trào đấu tranh cách mạng ngày càng mạnh mẽ, nhất là phong trào công nhân, làm cho uy tín và ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản Đảng được tăng cường. Sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời có đóng góp rất lớn của các bậc tiên tiến trong kỳ bộ Bắc Kỳ, trong đó có đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. 
Trong bối cảnh đó, An Nam cộng sản Đảng ở Nam Kỳ và Đông Dương cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ lần lượt ra đời. Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập các tổ chức Đảng bàn việc thống nhất. Tháng 1/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trịnh Đình Cửu, đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng bí mật sang Hương Cảng (Trung Quốc) dự hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước. Tại đây, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính Cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ tóm tắt của Đảng. Với việc tham gia hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trở thành một trong những cán bộ tiền bối thành lập Đảng. Đó là một trong những hoạt động sôi nổi, là công lao, đóng góp to lớn của đồng chí trong những ngày đầu thành lập Đảng.  
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người có nhiều đóng góp cho công tác tư tưởng, tổ chức của Đảng. Kết hợp đúng đắn công tác tư tưởng với công tác tổ chức, nhận thức rõ ràng về giữ vững và tăng cường bản chất công nhân trong Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng lập trường, quan điểm, ý thức tổ chức cho giai cấp công nhân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo quan điểm của giai cấp công nhân; củng cố mối quan hệ mật thiết với giai cấp công nhân với giai cấp nông dân; trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đạo đức và phẩm chất cách mạng trong sáng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được thể hiện ở sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, ở niềm tin vào sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản, ở sự tự nguyện tận tụy làm việc và hiến dâng đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Đồng chí xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.

-------

ThS. Trương Thị Tuyết Lan - Trưởng khoa Xây Dựng Đảng



 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017