THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 83
Trong tháng: 61444
Tổng: 1325867
 
Bài viết chuyên đề
Những đóng góp của Ph. Ăngghen trong việc phát hiện sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân

Ngày cập nhật: 25/11/2021

   
Ph.Ăngghen (28/11/1820- 05/08/1895) sinh ra trong một gia đình chủ xưởng dệt tại Bác-men, tỉnh Ranh của Vương quốc Phổ (thuộc nước Đức ngày nay). Cha ông là một chủ tư bản lớn, mẹ ông là một trí thức kinh tế, ông ngoại của Ph.Ăngghen là một giáo sư đại học về ngôn ngữ học. Từ bỏ vị trí xuất thân của mình, không đi theo con đường kinh doanh như ý nguyện của cha, Ph.Ăngghen đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Ông chính là nhà lý luận chính trị, triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người cùng với C. Mác đã sáng lập học thuyết Mác - học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân (GCCN) và nhân dân lao động trên thế giới. 
Năm 1839, Ăngghen bắt tay vào nghiên cứu các tác phẩm của Hê-ghen. Ông đã kế thừa tư tưởng của Hê-ghen về vận động tiến lên của lịch sử loài người đến những hình thái cao hơn, song ở Ăngghen là quan điểm biện chứng đối với lịch sử loài người và các hiện tượng của đời sống xã hội, là sự vận dụng những tư tưởng cơ bản của phép biện chứng của Hêghen vào thực tiễn cuộc sống. Trong thời gian ở Anh (tháng 11/1842 đến tháng 8/1844), Ph.Ăngghen đã chú ý nghiên cứu điều kiện sinh hoạt của giai cấp vô sản Anh. Năm 1844, Ph.Ăngghen cho đăng  tác phẩm “Phê phán chính trị kinh tế học”. Điều này được C.Mác - người chủ của tờ “Niên giám Pháp - Đức” đánh giá rất cao và coi là “một cuốn đại cương tài tình về khoa học chính trị của giai cấp vô sản”. 
Tháng 8/1844, Ph.Ăngghen đã gặp C.Mác. Từ đây bắt đầu tình cảm cao đẹp và vĩ đại của hai nhà tư tưởng lớn, và tạo bước chuyển quan trọng trên hành trình tư tưởng của Ph.Ăngghen. Do tương đồng về mặt lập trường, tư tưởng nên Ph.Ăngghen cùng với C.Mác đã viết chung tác phẩm “Gia đình thần thánh” năm 1845 để chống lại phái Hê-ghen trẻ và bước đầu xây dựng được một số quan điểm về chủ nghĩa xã hội trên lập trường duy vật cách mạng. Trong tác phẩm này, Ph. Ăngghen đã cùng với C. Mác khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử (SMLS) toàn thế giới của giai cấp vô sản và chỉ ra rằng, chính địa vị của giai cấp vô sản trong xã hội tư sản hiện đại đã quy định vai trò, sứ mệnh đó. 
Để làm sáng tỏ vai trò đặc biệt của giai cấp vô sản trong xã hội tư sản, Ph.Ăngghen đã viết tác phẩm riêng có nhan đề “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh”. Cuốn sách được viết ở Bác-men (Đức) từ tháng 9/1844 đến tháng 3/1845. Ph.Ăngghen bắt đầu nhận ra rằng giai cấp vô sản không chỉ là những người bị bóc lột đầy đau khổ mà họ còn có khả năng tự giải phóng giai cấp mình: “Mỗi công nhân, thậm chí là người giỏi nhất, cũng luôn có thể bị mất việc và mất cái ăn, để rồi chết đói, nhiều người đã bị như vậy...” [2; 419], “công nhân Anh không thể cảm thấy hạnh phúc trong tình cảnh của họ, cái tình cảnh mà ở đó, cả cá nhân cũng như toàn bộ giai cấp đều không thể sống, cảm giác và suy nghĩ như con người. Vì thế, công nhân phải đấu tranh, để thoát khỏi cái tình cảnh chỉ xứng với súc vật ấy, để có được một tình cảnh tốt hơn, hợp với con người hơn.” [2; 592], “tất cả công nhân công nghiệp đều bị cuốn vào một hình thức nào đó của cuộc đấu tranh chống tư bản và giai cấp tư sản. Họ đều nhất trí rằng mình là working-men (công nhân); đó là danh hiệu mà họ tự hào, danh hiệu phổ biến trong những cuộc họp của phái Hiến chương; nó nói lên rằng họ họp thành một giai cấp độc lập, có lợi ích và nguyên tắc riêng, có thế giới quan riêng, đối lập với mọi giai cấp có của” [2; 627]. Chính hoạt động của giai cấp công nhân ở Anh, Pháp, Đức... đã giúp cho Ph.Ăngghen từng bước hoàn thiện lý luận của mình trở thành một ngọn đuốc soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. 
Năm 1846, “Hệ tư tưởng Đức” của Ph.Ăngghen và C.Mác ra đời. Bên cạnh phê phán tư tưởng của phái Hê-ghen trẻ và tư tưởng của Phoi-ơ-bắc, tác phẩm lớn này đã đánh dấu bước chuyển từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ nghĩa của cả C.Mác và Ph. Ăngghen. Từ đây, các ông đã xây dựng cho mình một hệ thống lý luận độc lập. 
Đại hội lần thứ II của Liên đoàn những người cộng sản (29/11/1847) đã trao cho C. Mác và Ph. Ăngghen nhiệm vụ soạn thảo “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” cũng chính là cương lĩnh của Liên đoàn. Tác phẩm như lời tuyên bố trước toàn thế giới về quan điểm, mục đích, ý đồ của những người cộng sản. Các ông đã nêu ra quan điểm về giai cấp công nhân, khái niệm mà đến nay vẫn được các nhà nghiên cứu sử dụng rộng rãi: Giai cấp công nhân là sản phẩm của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất. Họ là những người sử dụng, vận hành các công cụ, phương tiện là máy móc, công nghệ ngày càng hiện đại để tạo ra của cải vật chất; họ là lực lượng sản xuất hàng đầu, do đó, lao động sản xuất vật chất của họ có vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội công nghiệp. Tính chất xã hội hóa của sản xuất công nghiệp vừa rèn luyện những phẩm chất cho GCCN trở thành giai cấp tiên tiến nhất, có tác phong công nghiệp, lối sống vị tha. Và điều quan trọng cần nhấn mạnh là, từ xu thế tính chất xã hội hóa của đại công nghiệp, nảy sinh những tiền đề, điều kiện hiện thực cho CNXH. 
Ph.Ăngghen thấy nhu cầu phát triển của lực lượng sản xuất mà GCCN là đại biểu mới là nguyên nhân hàng đầu của lịch sử. Do đó SMLS của GCCN là sự nghiệp xác lập hình thái kinh tế xã hội Cộng sản chủ nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Nội dung kinh tế của SMLS của GCCN là nội dung cơ bản, quyết định nhất, nó chuẩn bị những tiền đề vật chất cho CNXH. GCCN cần giải phóng những lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa thoát khỏi sự hạn chế của quan hệ sản xuất tư nhân TBCN. Với nội dung chính trị - xã hội của SMLS toàn thế giới của GCCN, Ph.Ăngghen đã  làm sáng tỏ giai cấp công nhân là người có khả năng tổ chức và lãnh đạo xã hội thông qua Đảng Cộng sản, tiến hành cách mạng chính trị lật đổ chế độ TBCN, xác lập, bảo vệ và phát triển chế độ dân chủ XHCN, thực hiện liên minh giữa các giai cấp, tầng lớp như nông dân, trí thức là đồng minh trong quá trình thực hiện SMLS,... Với nội dung văn hóa - tư tưởng, GCCN cần xác lập hệ giá trị mới (lao động, công bằng, dân chủ, tự do,...) để thay thế cho hệ giá trị tư sản và những hệ tư tưởng lạc hậu. 
Ph. Ăngghen khẳng định, giai cấp công nhân chỉ có thể đấu tranh chống lại quyền lực của giai cấp hữu sản, chỉ khi họ tự tổ chức được thành một đảng độc lập. Do đó, Ph. Ăng-ghen đã tiến hành cuộc vận động thành lập đảng cùng các tổ chức cách mạng quốc tế của giai cấp vô sản và đề ra những chiến lược, sách lược cho các cuộc đấu tranh của GCCN. Ông kiên quyết chống những khuynh hướng tư tưởng ảnh hưởng xấu đến phong trào công nhân, nhất là đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa vô chính phủ, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân. Ph.Ăngghen còn khẳng định, việc tạo ra những thế hệ con người mới, nhất là đội ngũ những công nhân giác ngộ, có ý chí, nghị lực, có năng lực sáng tạo lý luận và hoạt động thực tiễn, luôn nhạy bén với sự biến đổi của hiện thực lịch sử... là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính đảng cách mạng. Có thể nói, nhờ được trang bị lý luận về SMLS, GCCN đã từng bước bước lên vũ đài chính trị và xác lập được vai trò to lớn của mình. Phong trào công nhân đã tìm thấy ở triết học Mác vũ khí tinh thần của mình, còn triết học Mác tìm thấy ở phong trào công nhân vũ khí vật chất của mình. 
Với việc phát hiện ra SMLS toàn thế giới của GCCN, cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã có công lao trong việc đưa chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học, thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển không ngừng. Với trí tuệ uyên bác, trái tim nhiệt thành, ông có những đóng góp lớn lao cho học thuyết Mác nhưng rất đỗi khiêm nhường khi chỉ nhận mình là “cây vĩ cầm” bên cạnh Mác. Cả cuộc đời ông là tấm gương ngời sáng về trái tim nhân hậu, tâm hồn vĩ đại, bộ óc thiên tài, luôn hướng về giai cấp cần lao, trang bị vũ khí lí luận thôi thúc họ tiến lên giải phóng giai cấp và toàn xã hội. 
Ngày nay, mặc dù tình hình có nhiều thay đổi nhưng học thuyết của C. Mác và Ph. Ăngghen về chủ nghĩa xã hội khoa học mà hạt nhân là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, khi tình hình thay đổi và cuộc sống hiện thực đặt ra những vấn đề mới, việc vận dụng hệ thống lý luận của học thuyết Mác đòi hỏi sự sáng tạo, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể. Vì, khi sinh thời cả C.Mác và Ph.Ăngghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải dập khuôn, sao chép, mà cần dũng cảm xem xét lại ngay cả những quan điểm của mình khi tình hình thay đổi, với những yêu cầu mới do thực tiễn đặt ra. Thực tế cho thấy, trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và hành động, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, đưa cách mạng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại. Để giai cấp công nhân Việt Nam thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao,... trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng” (3; tr128), “Thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về sản xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” (3; tr130), “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam”. (3; tr231)... Thực hiện tốt những nhiệm vụ đó là chúng ta đã thúc đẩy các yếu tố khách quan và chủ quan để GCCN Việt Nam hoàn thành thắng lợi SMLS của mình. 

-------

Thạc sỹ. Trần Thị Nhâm-Giảng viên khoa lý luận cơ sở


Tài liệu tham khảo.
1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002 
2. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995 
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017