THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 384
Trong tháng: 61361
Tổng: 1325784
 
Bài viết chuyên đề
Tu tưởng Hồ Chí Minh - sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam

Ngày cập nhật: 23/09/2021

   
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khái quát tầm lý luận về tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành từ nhiều yếu tố trong đó việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là yếu tố tư tưởng lý luận có ý nghĩa quyết định, đồng thời cũng cho thấy sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa Mác-Lênin. Sức sống ấy thể hiện rất rõ vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin qua sự vận dụng sáng tạo của Hồ Chí Minh thể hiện nhiều nội dung của các mạng Việt Nam. 
Thứ nhất, Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin và tích cực truyền bá học thuyết này. Trước khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh cũng đã đến với nhiều hệ tư tưởng, nhiều học thuyết khác nhau, có những nhận định về ưu điểm, hạn chế và thái độ rõ ràng với từng hệ tư tưởng. Nhưng chỉ khi đến và hiểu được chủ nghĩa Mác-Lênin, Người khẳng định rằng tính cách mạng, tính bền vừng, tính chân chính của chủ nghĩa này: “ Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Kế thừa luận điểm không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng của Lênin, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò lý luận đối với Đảng Cộng sản: “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” [2]. Điều này có thể hiểu nếu không có một hệ tư tưởng tiên tiến, cách mạng và khoa học đáp ứng yêu cầu của thời đại thì Đảng đó có thể không đi đúng hướng và không thể làm tròn được trọng trách của mình đối với dân tộc đối với giai cấp. Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin đối cách mạng Việt Nam với Đảng Cộng sản Việt Nam, đối với nhân dân Việt Nam nên người viết: “Chủ nghĩa Mác-Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản” [3]. 
Theo người, Đảng Cộng sản và nhân dân phải nắm vững lý luận Mác-Lênin, nếu không nắm vững thì chẳng khác nào như người không có trí khôn, như người một mắt sáng, một mắt mờ, như tàu không có bàn chỉ nam, như người đi đường mà không biết trước đường đi của mình. Vì thế, người yêu cầu phải nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin, muốn nắm vững thì phải học nhưng học và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin thì không được học thuộc, mà phải nắm được tinh thần, bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin đó chính là nắm vững lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin. Từ nhận thức đúng đắn về vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã truyền bá học thuyết này vào Việt Nam và nhiều nước thuộc địa khác. 
Thứ hai, Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bằng phương pháp tiếp cận khoa học, sáng tạo, bám sát thực tiễn của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt, luôn trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin; mặt khác, vận dụng sáng tạo các nguyên lý đó vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Người đã bổ sung nhiều luận điểm góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác-Lê-nin; đồng thời, xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở một nước thuộc địa nửa phong kiến nghèo nàn, lạc hậu và được thể hiện rõ ở một số luận điểm sau: 
Một là, về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản ở các nước tư bản và cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. C. Mác cho rằng, cách mạng vô sản sẽ nổ ra và giành thắng lợi ở những nước tư bản phát triển. Còn V.I. Lê-nin nhận định, cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng lợi ở một số nước, thậm chí là một nước riêng lẻ của chủ nghĩa đế quốc và cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở chính quốc cần phải liên minh với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển thêm một bước nhận thức lý luận khi cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có quan hệ chặt chẽ với cách mạng chính quốc, nhưng không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng chính quốc. Nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc và qua đó, thúc đẩy cách mạng chính quốc. 
Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng quy luật về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về sự hình thành Đảng Cộng sản vào việc khẳng định trọng trách của giai cấp công nhân Việt Nam và chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học. C.Mác-Ph.Ăngghen đã luận giải về vai trò, trọng trách của giai cấp công nhân trong việc lãnh đạo cách mạng thủ tiêu các chế độ bóc lột, xây dựng phương thức sản xuất mới, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Tiếp thu vấn đề lý luận này và vận dụng vào Việt Nam. Hồ Chí Minh đã phân tích khá sâu sắc các tầng lớp, giai cấp trong xã hội nước ta, nhận ra được những ưu thế vượt trội và sứ mệnh trọng đại của giai cấp công nhân Việt Nam. Người đã chỉ rõ: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc”[4] và khẳng định giai cấp công nhân là giai cấp có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng. 
Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ rõ: để hoàn thành sứ mệnh của giai cấp công nhân cần phải có đội tiên phong, tức là Đảng cộng sản. Hồ Chí Minh coi Đảng là người cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam, Người cũng chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[5]. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển một cách sáng tạo quy luật hình thành Đảng cộng sản vào quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu như quy luật chung về sự ra đời của Đảng cộng sản là sự kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân thì khi vận dụng vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bổ sung thêm nhân tố nữa là phong trào yêu nước. Giai cấp công nhân Việt Nam mới hình thành, còn nhỏ bé về số lượng, sự kết hợp lý luận với phong trào công nhân và phong trào yêu nước có tác dụng ý nghĩa rất lớn đối với các mạng Việt Nam, giúp cho Đảng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, phát huy được tinh thần đoàn kết và lực lượng cách mạng, ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện thành phần chủ nghĩa, công nhân chủ nghĩa hoặc chia rẽ, bè phái trong Đảng. 
Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển lý luận Mác - Lê-nin về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng. Người khẳng định, động lực cơ bản của toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta là đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng về liên minh công - nông của chủ nghĩa Mác-Lênin để quy tụ, tập hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của các lực lượng yêu nước với thế trận chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. 
Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào việc xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dựa trên nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, sau khi cách mạng vô sản thắng lợi, giai cấp vô sản sẽ thiết lập nên nền chuyên chính vô sản. Trên nền tảng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển một hệ thống các quan điểm sáng tạo về nhà nước kiểu mới: Tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân, một nhà nước của nhân dân, chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương do nhân dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do nhân dân tổ chức nên, được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. 
Ngoài những nội dung cơ bản trên, Hồ Chí Minh còn tiếp thu nhiều vấn đề khác của chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, những  luận điểm sáng tạo trên của Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam là những luận điểm nổi bật và có đóng góp to lớn đối với lý luận cách mạng Việt Nam. Vì thế, không chỉ dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh mới có thể tìm thấy câu trả lời cho nhiều vấn đề phát triển có quy luật của cách mạng ở Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và dân tộc ta, là tài sản tinh thần vô cùng quý giá của Đảng và dộc tộc, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.   

-------

Thạc sỹ. Đinh Thị Thúy Hà - Giảng viên khoa lý luận cơ sở

Tài liệu tham khảo


[1];[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.268 
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.128 
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.9 
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.267-268


 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017