THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 1464
Trong tháng: 55285
Tổng: 1319708
 
Bài viết chuyên đề
Vận dụng học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày cập nhật: 13/09/2021

   

Học thuyết giá trị thặng dư của Mác ra đời trên cơ sở nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Phát hiện giá trị thặng dư làm nổ ra cuộc cách mạng thực sự trong toàn bộ khoa học kinh tế, trang bị cho giai cấp vô sản thứ vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Ngày nay, từ quan niệm đổi mới về chủ nghĩa xã hội, học thuyết này còn có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ở nước ta, việc nghiên cứu, khai thác để vận dụng học thuyết giá trị thặng dư của Mác trở thành việc làm cần thiết trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việc vận dụng học thuyết giá trị thặng dư của Mác trước hết phải nhận thức đúng khái niệm bóc lột và bóc lột giá trị thặng dư trong học thuyết Mác. “Bóc lột” là một bộ phận người trong xã hội hoặc tập đoàn xã hội nào đó, chiếm đoạt không có bồi thường thành quả lao động của một người khác hoặc của một tập đoàn khác. Nhưng việc “chiếm hữu không có bồi thường” thành quả lao động của người khác hoặc tập đoàn xã hội, không chỉ dựa vào sở hữu tư liệu sản xuất hoặc tư bản tiền tệ mà cũng có thể thông qua bạo lực, quyền lực, chinh phục bằng vũ lực. Theo Mác, việc bóc lột lao động đều có trong tất cả các hình thái xã hội từ trước tới nay vận động trong những mâu thuẫn giai cấp. Nhưng chỉ khi nào kẻ sở hữu tư liệu sản xuất tìm ra được người công nhân tự do, với tư cách là đối tượng bóc lột, và bóc lột người công nhân đó nhằm mục đích sản xuất ra hàng hoá để thu được giá trị tăng thêm, chỉ khi đó mới là bóc lột giá trị thặng dư, tư liệu sản xuất mới mang tính chất đặc biệt là tư bản. Vậy câu hỏi đặt ra trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam giá trị thặng dư còn tồn tại?

Học thuyết giá trị thặng dư của Mác được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu lịch sử nền sản xuất hàng hoá hàng hóa tư bản chủ nghĩa.Cho nên, chính Mác chứ không phải ai khác là một trong những người nghiên cứu sâu sắc về nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa hay gọi là kinh tế thị trường.  Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, với nhiều thành phần kinh tế trong đó có thành phần kinh tế tư nhân, không thể phủ nhận chủ doanh nghiệp tư bản tư nhân thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp đã góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và nâng cao mức sống của người lao động. Tuy nhiên, xét một cách biện chứng thì thu nhập của chủ doanh nghiệp tư bản tư nhân là lợi nhuận (tức giá trị thặng dư) nên vẫn tồn tại bóc lột giá trị thặng dư. Cũng cần khẳng định chiếm đoạt giá trị thặng dư là đối lập với xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng nhưng chừng nào nó vẫn còn có tác dụng chúng ta vẫn phải tạo điều kiện cho nó tồn tại và làm cho nó gia tăng. Và như vậy, việc vận dụng học thuyết giá trị thặng dư trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là cần thiết, tập trung khai thác, vận dụng những vấn đề sau:

Một là, khai thác những di sản lý luận C. Mác về phương pháp sản xuất ra giá trị thặng dư trong nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa.

Ngay từ khi mới ra đời, chủ nghĩa tư bản đã phát triển nền kinh tế hàng hóa, thông qua thị trường, giai cấp tư sản mới mua được tư liệu sản xuất và sức lao động, mới bán được hàng hóa và bóc lột được giá trị thặng dư do người lao động tạo ra. Trong nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản, dưới sự tác động của các quy luật kinh tế, trong đó có quy luật giá trị thặng dư, nhà tư bản thực hiện phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối là thực hiện kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động nhưng phương pháp này vấp phải những phản kháng của người lao động nên các nhà tư bản thực hiện phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối bằng cách ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất lao động xã hội, bên cạnh đó các nhà tư bản còn tích cực cải tiến tổ chức sản sức, tiết kiệm chi phí sản xuất, tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Các tiềm năng về vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý sản xuất kinh doanh được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ, từ đó làm cho nền kinh tế năng động. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các thành phần kinh tế cần phải vận dụng các phương pháp sản xuất giá trị thặng dư  mà các nhà tư bản đã vận dụng để phát triển sản xuất đặc biệt là chú trọng vận dụng phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối để năng cao năng suất lao động,  thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế kết hợp với phân phối theo lao động và hiệu quả kinh tế nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện năng suất lao động (NSLĐ), nhờ đó đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ. Theo Báo cáo của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) năm 2020 đã cho thấy: năng suất lao động của Việt Nam được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%). Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30-35%). Cũng theo Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia.

Hai là, khai thác những luận điểm của Mác về những biện pháp, thủ đoạn nhằm thu được nhiều giá trị thặng dư của các nhà tư bản để góp phần vào việc quản lý thành phần kinh tế tư nhân( đặc biệt là kinh tế tư bản tư nhân) trong nền kinh tế ở nước ta sao cho vừa khuyến khích phát triển, vừa hướng thành phần kinh tế này đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.  Điều này cần có chính sách thúc đẩy thành phần kinh tế này để qua đó thu hút được nhiều lao động xã hội, sử dụng nhiều trình độ lao động để tạo ra nhiều sản phẩm thỏa mãn nhu cầu xã hội. Trong thực tế, sau hơn 30 năm kể từ khi Luật đầu tư được ban hành năm 1987, đây là văn bản pháp quan trọng nhất chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện mời gọi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hơn 30 năm qua, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế, đóng góp không nhỏ sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 30 năm đón vốn FDI, từ năm 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD. Vốn FDI đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp khoảng 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tông thu ngân sách. 10 đối tác đứng đầu có số vốn đăng ký khoảng 82%, trong đó phải kể đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapor và Đài Loan (Trung Quốc).

Nhưng để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước cần phải quản lý doanh nghiệp này để nhằm hạn chế việc bóc lột người lao động quá mức như kéo dài thời gian lao động vượt quá thời gian quy định của luật lao động  mà không có sự thống nhất của người lao động, việc cắt xén tiền công, cắt xén các chế độ của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động. Việc nghiên cứu lý luận giá trị thặng dư sẽ cho chúng ta thấy rằng chúng ta thừa nhận bóc lột này không thể như trong chế độ tư bản chủ nghĩa được mà người lao động cần phải được bảo vệ thông qua hệ thống pháp luật của Việt Nam. Thực tế, nhà nước ta đã có hệ thống luật pháp bảo vệ người lao động như: Luật lao động, Luật bảo hiểm, quy định về tiền lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đầy đủ. Tuy nhiên, yếu kém nhất hiện nay trong bảo vệ người lao động là thiếu sự kiểm soát chặt chẽ và xử lý vi phạm nghiêm minh của các cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều cuộc đình công, bãi công của công nhân nước ta ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ khá cao trong các cuộc đình công đặc biệt là năm 2011 đạt kỷ lục với 857 cuộc đình công. Hiện nay, tuy đã giảm nhưng vẫn còn diễn ra các cuộc đình công mà nguyên nhân dẫn đến có liên quan đến các vấn đề về bảo hiểm xã hội, tiền lương, chế độ ngày nghỉ, chất lượng bữa ăn ca. Nếu khắc phục được những yếu kém này, chúng ta sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển đồng thời đảm bảo lợi ích chính đáng của người lao động, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường.

Ba là, nghiên cứu học thuyết giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản để có cơ chế, chính sách phân phối giá trị thặng dư đảm bảo công bằng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

          C.Mác đã khẳng định giá trị thặng dư không phải do tư bản (tiền) được đầu tư vào sản xuất sinh ra, hoặc do máy móc tạo ra. Giá trị thặng dư là do lao động thặng dư của người lao động tạo ra. Hiện nay, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, người lao động không chỉ bao gồm người công nhân trực tiếp đứng máy, mà còn có những người lao động khác như lao động của những người chủ doanh nghiệp, lao động của bộ phận quản lý sản xuất kinh doanh… Nếu người chủ doanh nghiệp cũng là người trực tiếp quản lý thì lao động của họ cũng tạo ra giá trị thặng dư. Lao động quản lý gọi là lao động phức tạp. Như vậy, chủ doanh nghiệp được hưởng một phần giá trị thặng dư từ hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng.  Vấn đề đặt ra làm sao lượng hóa chính xác số lượng lao động thặng dư của từng bộ phận, từng người lao động để thực hiện phân phối giá trị thặng dư một cách công bằng trong các doanh nghiệp hiện nay.

          Doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều có hai hình thức phân phối: Theo tiền lương, tiền công và phân phối theo phúc lợi. Vấn đề là lượng hóa một cách chính xác số lượng, chất lượng lao động. Số lượng thì đơn giản, nhưng về chất lượng thì khó hơn. Mặc dù, lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn, nhưng bội số là bao nhiêu thì rất khó. Vậy cần phải dựa vào hai yếu tố: Một là dựa trên sự thỏa thuận hợp đồng của người thuê lao động và người lao động, mối quan hệ này được điều chỉnh theo quy luật của thị trường, quy định mặt bằng chung về giá cả sức lao động, về cạnh tranh của doanh nghiệp để thu hút lao động bằng tiền lương, tiền thưởng. Hai là, sự điều chỉnh của Nhà nước bằng chính sách tiền lương và luật lao động. Nhà nước quy định lương tối thiểu và điều kiện làm việc, về bảo hiểm…của người lao động tại các doanh nghiệp.

 Như vậy hiện nay ở nước ta, mục đích nghiên cứu kinh tế chính trị nói chung và lý luận giá trị thặng dư nói riêng có sự thay đổi. Nếu trước đây, mục đích nghiên cứu của kinh tế chính trị là để phê phán phương thức sản xuất TBCN tìm ra bản chất bóc lột giá trị thặng dư của CNTB cổ điển và xu hướng thay thế CNTB bằng một xã hội tốt đẹp hơn, thì giờ đây, bên cạnh mục đích như trước, chúng ta còn nghiên cứu, khai thác học thuyết giá trị thặng dư với tư cách là một hệ thống lý luận phong phú và sâu sắc nhằm vận dụng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

-------

Thạc sỹ. Đinh Thị Thúy Hà - Giảng viên khoa lý luận cơ sở


Tài liệu tham khảo

1.C.Mác-Ph.Ănghen, Toàn tập, tập 23, tr 873.

2.Những nhận thức về kinh tế chính trị trong giai đoạn đổi mới ở Việt Nam, NXb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1998, tr5, 8, 34

3. Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. NXB Thống kê. Tr 9,45.

Ths. Đinh Thị Thúy Hà
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017