THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 178
Trong tháng: 56160
Tổng: 1320583
 
Bài viết chuyên đề
Nắm bắt thời cơ giành chính quyền trong Cách mạng tháng tám

Ngày cập nhật: 19/08/2021

   
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đưa đến sự ra đời của nhà nước công- nông đầu tiên ở Đông Nam Á, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị lệ thuộc, áp bức trên thế giới đấu tranh giành lại tự do, độc lập. Để có được sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt lớn lao đó của dân tộc, Đảng, Bác Hồ đã dày công chuẩn bị, xây dựng lực lượng, nắm bắt tình hình thế giới và trong nước, dự báo thời cơ để phát động quần chúng tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, giành lấy độc lập, tự do.           
Thời cơ là hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện một việc đạt kết quả tốt, thời cơ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn và trong tính đa dạng của các sự kiện, hiện tượng lịch sử. Tháng 5-1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tám do Hồ Chí Minh chủ trì đã phân tích tình hình thế giới đang bị tác động sâu sắc bởi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai và dự báo: “cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”[1]. Hội nghị chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt lên trên hết và trước hết nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung tất cả mọi lực lượng yêu nước trong dân tộc nhằm vào một mục tiêu duy nhất là đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp giành lại độc lập cho Tổ quốc. Hội nghị xác định phải kết thúc cách mạng Đông Dương bằng khởi nghĩa vũ trang, nêu rõ những điều kiện phát động khởi nghĩa thành công - các dấu hiệu của thời cơ: 
1) Mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc. 
2) Nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị của Pháp - Nhật, mà đã sẵn sàng hi sinh bước vào con đường khởi nghĩa. 
3) Phe thống trị Đông Dương đã bước vào cuộc khủng hoảng phổ thông đến cực điểm vừa về kinh tế, chính trị lẫn quân sự. 
4) Những điều kiện khách quan tiện lợi cho cuộc khởi nghĩa Đông Dương như quân Tàu đại thắng quân Nhật, Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nhật nổi dậy, phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương, Liên Xô đại thắng, cách mạng các thuộc địa Pháp, Nhật sôi nổi và nhất là quân Tàu hay quân Anh - Mỹ tràn vào Đông Dương[2].           
Hồ Chí Minh đã tích cực tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng Việt Nam cả về lực lượng lãnh đạo (Đảng Cộng sản Việt Nam) và lực lượng tham gia (lực lượng chính trị: Mặt trận dân tộc thống nhất quy tụ lực lượng đại đoàn kết toàn dân tộc, với các giai cấp, tầng lớp, tổ chức đoàn thể, cá nhân yêu nước; lực lượng vũ trang nhân dân). Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh ra đời. Công tác xây dựng lực lượng cách mạng, phát động phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra sôi nổi trong toàn quốc. Phong trào xây dựng các đoàn thể cứu quốc, như Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Công nhân cứu quốc… diễn ra sôi nổi từ cuối năm 1941 ở cả nông thôn và thành thị.           
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, khu căn cứ địa Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên đã phát triển mạnh mẽ và trở thành khu giải phóng Việt Bắc - căn cứ địa chính của cả nước. Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22-12-1944. Cùng với các đội Cứu quốc quân, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam. Đến giữa năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, lực lượng cách mạng trên toàn quốc đã phát triển vượt bậc, sẵn sàng cho thời cơ đến. Những dự báo về thời cơ cách mạng của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng được tiếp nối và bổ sung với Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Thường vụ Trung ương Đảng vào tháng 3-1945, khi quân Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng quân Pháp ở Đông Dương. 
Thời cơ ấy bắt đầu từ sự kiện ngày 12/8/1945, phát xít Nhật Bản bị thua trên hầu khắp các chiến trường châu Á - Thái Bình Dương trong thế chiến II. Kẻ thống trị không còn có thể thống trị như trước nữa và quần chúng nhân dân cũng không còn chịu đựng được ách thống trị nữa. Hồ Chí Minh nhận rõ thời cơ tổng khởi nghĩa đã chính thức xuất hiện.
Nắm bắt thời cuộc kịp thời, đồng chí Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhóm họp ngay tại Tân Trào để quyết định Tổng khởi nghĩa vũ trang trong cả nước. Ngay sau cuộc họp, “Mệnh lệnh khởi nghĩa” đã được phát ra.           
Chiều ngày 13/8/1945, nhận được tin rất quan trọng phát xít Nhật đã bại trận, chuẩn bị đầu hàng quân Đồng minh. Ngay lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc; đồng thời soạn thảo “Quân lệnh số 1”. Đến 23 giờ đêm cùng ngày, bản “Quân lệnh số 1” hoàn thành, hạ lệnh Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc.           
Trưa 15-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh. Ngày 16-8-1945, Quốc dân Ðại hội khai mạc tại Tân Trào. Ðại hội hoàn toàn tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Ðảng, ra nghị quyết về giành chính quyền toàn quốc, thi hành lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách của Việt Minh, thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam. Chớp thời cơ lịch sử, chỉ trong vòng hai tuần (từ 14 đến 28-8-1945), nhân dân cả nước đã đứng lên giành chính quyền trong cả nước. 
Thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám tồn tại một cách khách quan trong khoảng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật ở nước ta kể từ ngày 5-9 theo tinh thần Hội nghị Potsdam. Nếu phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15-8-1945 khi quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9-1945 trên đất nước có nhiều kẻ thù, cách mạng đều khó có khả năng thành công. Với tư duy hết sức nhạy bén, sắc sảo và được trang bị phép biện chứng duy vật khoa học, Hồ Chí Minh đã sớm xác định các dấu hiệu và dự báo chính xác thời cơ của cuộc tổng khởi nghĩa giành quyền độc lập ở Việt Nam, đồng thời chủ động thúc đẩy thời cơ; khi thời cơ chín muồi đã chỉ đạo toàn dân vùng dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công.           
Trong khi các nước Đồng minh có nhiều cơ hội và được chuẩn bị khá chu đáo để giành giật và xác định quyền lực tại Việt Nam, thì thời cơ cách mạng chỉ đến với Đảng ta và nhân dân ta trong vòng 2 tuần. Ngày 19-8-1945, cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế và ngày 25-8 ở Sài Gòn. Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu ra đời ngày 28-8-1945. Trong khi đó sau khi Cách mạng Tháng Tám đã thành công về cơ bản trong cả nước, ngày 24-8-1945, Mỹ mới thừa nhận chính thức quyền của Pháp trở lại Đông Dương. Còn Anh thì phải đến ngày 12-9-1945, những đơn vị đầu tiên của quân Anh - Ấn mới vào tới Sài Gòn, khi ta đã tuyên bố độc lập từ ngày 2-9-1945. Ngày 18-8-1945, tướng Lơ-cléc của Pháp mới lên đường sang Viễn Đông, cao ủy Đác-giăng-li-ơ thì đến ngày 05-9-1945 mới rời Pa-ri lên đường đi Ấn Độ để từ đó sang Đông Dương. Còn quân Tưởng thì đến ngày 27-8-1945, gần hai tuần sau khi Nhật đầu hàng, mới bắt đầu vượt biên giới Việt - Trung và mãi đến ngày 09-9-1945 mới vào tới Hà Nội, khi mọi việc đã được chúng ta giải quyết xong vào ngày 02-9-1945. 
Bài học về nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng, Bác Hồ khi điều kiện đã chín muồi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn đang được Đảng và nhân dân ta kế thừa trong  xây dựng, phát triển đất nước, nó mang ý nghĩa thời đại to lớn góp phần làm nên những thắng lợi của công cuộc đổi mới. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với đại dịch Covid- 19 lây lan nguy hiểm, ở nước ta, phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân đã đồng lòng tuân thủ chỉ đạo của chính phủ trong thực hiện giãn cách xã hội, chấp hành nghiêm chỉnh, sẵn sàng hi sinh lợi ích ngắn hạn trước mắt vì lợi ích lâu dài. Tận dụng thời gian vàng để khoanh vùng, dập dịch và tin tưởng như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được”. 
-------

Thạc sỹ. Trần Thị Nhâm - Giảng viên khoa lý luận cơ sở

Tài liệu tham khảo.

[1]: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.612. 
[2]: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 129-130.  
Thạc sỹ. Trần Thị Nhâm
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017