Những điểm mới trong Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành quy chế bầu cử trong Đảng
Ngày 10/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) ban
hành Quyết định số 190-QĐ/TW về Quy chế bầu cử trong Đảng (QĐ190) thay thế Quyết
định số 244-QĐ/TW, ngày 09/6/2014 của BCHTW (QĐ 244). Qua nghiên cứu, Quyết định
số
190 có những điểm mới được quy định chặt chẽ, bao quát đầy
đủ; đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp; Quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản
lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, cụ thể như sau:
Thứ nhất, bổ sung nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập
đại hội: Ngoài các nhiệm vụ đã quy định trước đây, cấp ủy triệu
tập đại hội còn phải chuẩn bị số lượng, danh sách và nhân sự cho đoàn chủ tịch,
chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để
trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua. Việc quy định rõ nhiệm vụ chuẩn bị nhân sự cho đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký,
ban thẩm tra tư cách đại biểu giúp tổ chức đại hội khoa học, tránh lúng
túng trong quá trình điều hành, đảm bảo tính khách quan, dân chủ.
Thứ hai, bổ sung nhiệm vụ của Đoàn
chủ tịch, chủ tịch đại hội: Đoàn
chủ tịch, chủ tịch đại hội có trách nhiệm bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy cấp
trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp ủy, bí
thư, phó bí thư cấp ủy đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được
ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khóa mới. Việc bổ sung nhiệm vụ của
Đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội nhằm
nâng cao vai trò của Đoàn chủ tịch, bảo đảm sự lãnh đạo
của cấp ủy cấp trên trực tiếp, tránh tình trạng điều chỉnh nhân sự không
theo định hướng chung, giúp đại hội diễn ra đúng quy trình, không bị chi phối
bởi các yếu tố bên ngoài.
Thứ ba, bổ sung nhiệm vụ của Trưởng ban
kiểm phiếu:
Trưởng ban kiểm phiếu được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của ban kiểm
phiếu, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và chịu trách nhiệm trước đoàn chủ
tịch về hoạt động của ban kiểm phiếu. Việc làm này nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong kiểm phiếu, quy định
trách nhiệm của Trưởng Ban Kiểm phiếu, giúp đảm bảo tính khách quan,
chính xác trong quá trình kiểm phiếu, hạn chế sai sót hoặc gian lận.
Thứ tư, bổ sung thành phần hồ sơ ứng
cử: Ngoài các
tài liệu đã quy định trước đây, hồ sơ ứng cử cần bổ sung kết luận tiêu chuẩn
chính trị của cấp ủy có thẩm quyền và bản sao các văn bằng, chứng chỉ về trình
độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị (có xác nhận của cơ quan, đơn vị
quản lý cán bộ hoặc của cấp có thẩm quyền). Việc bổ sung thành phần hồ sơ ứng
cử với kết luận chính trị và bản sao văn bằng giúp chặt chẽ hơn trong công tác nhân sự, kiểm soát chất lượng cán bộ, tránh tình trạng ứng cử viên không đủ
tiêu chuẩn tham gia cấp ủy.
Thứ năm, quy định trách nhiệm của
người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy: Người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội phải chịu
trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà
mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn,
điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét
xử lý theo quy định của Đảng. Quy định này nhằm quy định rõ trách nhiệm của
người đề cử. Người đề cử phải chịu trách nhiệm nếu nhân sự được đề cử không đạt
tiêu chuẩn, tránh tình trạng giới thiệu nhân sự thiếu khách quan, chạy chức,
chạy quyền.
Thứ sáu, quy định về số dư và danh
sách bầu cử:
Trường hợp cần bầu lấy số lượng từ 1 đến 6 người, danh sách bầu cử có số dư tối
đa 1 người. Quy định này giúp đảm bảo tính cạnh tranh hợp lý, tránh tình trạng
danh sách bầu cử bị "dàn xếp" theo ý chí chủ quan.
Thứ bảy, bổ sung trường hợp phiếu
không hợp lệ:
Phiếu đánh dấu X vào cả ô đồng ý và
ô không đồng ý của tất cả những người trong danh sách bầu cử có nhiều người
được coi là phiếu không hợp lệ. Việc bổ sung quy định về phiếu đánh dấu không
hợp lệ giúp hạn chế tình trạng cố tình làm sai lệch kết quả bầu cử, đảm bảo
công bằng và minh bạch hơn trong quá trình kiểm phiếu.
Tóm lại, Quyết định số 190-QĐ/TW về Quy chế bầu cử trong Đảng có nhiều ý nghĩa quan trọng, góp
phần nâng cao chất lượng, tính minh bạch và trách nhiệm trong công tác bầu cử
trong Đảng, đảm bảo sự dân chủ, khách quan và minh bạch trong công tác nhân sự.
Đồng thời, các quy định chặt chẽ hơn giúp ngăn ngừa tiêu cực, đảm bảo bầu chọn
được những cán bộ thực sự có năng lực, phẩm chất để lãnh đạo đất nước, phục vụ
nhân dân./.
-------
Thạc sỹ: Lê Thị Mai Phương - Khoa Xây dựng Đảng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
1. Quyết
định số 190-QĐ/TW ngày 10/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành
Quy chế bầu cử trong Đảng.
2. Quyết
định số 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành
Quy chế bầu cử trong Đảng.