THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 225
Trong tháng: 15625
Tổng: 1064040
 
Bài viết chuyên đề
Phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Thái Bình

Ngày cập nhật: 11/07/2017

    Thái Bình có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện tại du lịch Thái Bình vẫn đang gặp nhiều thách thức lớn như: Hoạt động du lịch còn manh mún, tạm thời, dịch vụ còn nhiều bất cập, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, giao thông chưa thuận lợi…Với bài viết này, tác giả mong muốn đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển một nền du lịch bền vững cho tỉnh Thái Bình để đáp ứng với yêu cầu của hiện tại và còn bền vững cho mai sau.

1. Quan điểm về phát triển du lịch bền vững

Phát triển du lịch bền vững được hiểu là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của các thế hệ tương lai. Theo đó trong quá trình phát triển phải có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển đó là: bền vững về môi trường, bền vững về xã hội và văn hóa, bền vững về kinh tế.

Bền vững về môi trường: là việc sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu và giúp duy trì di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học tự nhiên.

Bền vững về xã hội và văn hóa: là việc tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng và đang sống động, đóng góp vào sự hiểu biết và chia sẻ liên văn hóa.

Bền vững về kinh tế: là việc bảo đảm cho hoạt động kinh tế được tồn tại lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế tới tất cả những người hưởng lợi và phân bổ một cách công bằng, tạo ra những công việc có thể thu được lợi nhuận ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng địa phương, đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo.

Như vậy, khái niệm phát triển du lịch bền vững không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường mà còn tập trung vào việc duy trì những văn hóa của địa phương và đảm bảo việc phát triển kinh tế, mang lại lợi ích công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia. Khi mức sống của người dân địa phương ở những nơi có tổ chức hoạt động du lịch được cải thiện thì họ sẽ có lý do để bảo vệ nguồn thu nhập này bằng cách bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống để du khách tiếp tục tới, qua đó xóa đói giảm nghèo, đem lại cơ hội nâng cao mức sống cho người dân địa phương, tăng trưởng kinh tế cho những vùng còn khó khăn.

Trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, ngành du lịch cũng gặp phải không ít những thách thức, đặc biệt là những thách thức ảnh hưởng bởi thiên nhiên. Khí hậu biến đổi, sạt lở đất, nước biển dâng…là những nguyên nhân ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành. Du lịch cũng đóng góp 5% lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển và lưu trú. Các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch, kinh doanh lưu trú cũng gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước, làm cạn dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên…Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nếu như việc phát triển du lịch được các chủ thể liên quan nhận thức và hành động đúng mức thì sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Thứ nhất, phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Vì bảo vệ môi trường sống không chỉ bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó mà còn bảo vệ môi trường sống của con người, giúp hạn chế tình trạng nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Việc bảo đảm sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật trong vùng cũng là giúp cho môi trường sống của con người được đảm bảo

Thứ hai, phát triển du lịch bền vững còn góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Chẳng hạn việc khai thác các đặc sản văn hóa của các vùng, địa phương thì người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống của mình nhờ vào việc khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm

Thứ ba, phát triển du lịch bền vững còn đảm bảo các vấn đề về xã hội như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ở một cái nhìn sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bảo cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng.

Việc phát triển du lịch bền vững đem lại lợi ích rất to lớn và được thực hiện lâu dài nhưng đòi hỏi rất nhiều công sức và cần được tiến hành một cách đồng bộ với sự tham gia của tất cả các chủ thể liên quan. Đối với các nước đang phát triển, trong đó có nước ta thì đây thực sự là một thách thức vì nền kinh tế nước ta còn nghèo, còn nhiều phụ thuộc, dân số vẫn tiếp tục gia tăng, hệ thống luật lệ còn chồng chéo, chưa hoàn toàn minh bạch, hệ thống hành chính còn chậm đổi mới, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém nên việc đi lại còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo sự thuận tiện và an toàn cao…

2. Tiềm năng phát triển du lịch bền vững của tỉnh Thái Bình

* Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và con người: Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng Sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội 110 km, cách Hải Phòng 70 km, nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Thái Bình có dân số 1,78 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm 60,1%. Diện tích tự nhiên của Thái Bình là 1.647,7 triệu km2 , bờ biển dài 54km có 4 cửa sông lớn ra biển (Ba lạt, Lân, Trà lý, Diêm Điền Thái Bình), các sông này bồi lắng hình thành một số cồn cát ven biển; trên 5000ha rừng ngập mặn, nằm trong vùng dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận.

* Di tích lịch sử - văn hóa lễ hội: Theo thống kê Thái Bình có trên 1400 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có gần 600 di tích lịch sử được xếp hạng; các di tích lịch sử - văn hóa phân bổ ở khắp các huyện, thị trong tỉnh. Những di tích lịch sử quan trọng có ý nghĩa chính trị, văn hóa phục vụ phát triển kinh tế du lịch như: Khu di tích Chùa Keo, chùa Đoan Túc, chùa Diệc, đình Thượng Liệt, di tích các đình An Cổ, khu lưu niệm Bác Hồ, khu lăng mộ vua Trần và đền Trần, khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh, cung Long Hưng…

Thái Bình cũng là một vùng văn hóa dân gian phong phú, đa dạng mà lễ hội truyền thống đã có và hiện còn ở Thái Bình đáng được xem là tiêu biểu về số lượng, đa dạng về loại hình với khoảng 200 lễ hội được lưu giữ: hội chùa Keo, hội đền Tiên La, hội đền Đồng Bằng, hội trình nghề La Vân, hội chiếu Làng Hới…Đây là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển du lịch văn hóa Thái Bình.

* Làng nghề truyền thống: Hàng trăm làng nghề truyền thống ở Thái Bình tồn tại lâu đời không chỉ là nguồn kinh tế chính của người dân địa phương mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho mỗi vùng quê. Hiện nay Thái Bình có khoảng 290 làng nghề được cấp bằng công nhận và các làng nghề phát triển ổn định trở thành những thương hiệu làng nghề nổi tiếng như: chạm bạc Đồng Xâm, thêu Minh Lãng, dệt đũi Nam Cao, đúc đồng An Lộc…

* Văn nghệ truyền thống: Ở Thái Bình văn nghệ truyền thống rất phong phú về loại hình. Thái Bình là quê hương của chèo và múa rối nước. Hai loại hình này là thế mạnh, là sinh hoạt phổ biến trong đời sống tinh thần của cộng đồng làng xã Thái Bình. Ngoài cheo và múa rối nước thì các điệu hát dân ca, múa dân gian ở Thái Bình cũng mang nhiều nét đặc sắc, đặc biệt nở rộ vào các ngày hội làng.

* Khu du lịch biển: Bao gồm khu du lịch Đồng Châu, khu du lịch Cồn Đen, khu sinh Thái Cồn Vành. Các khu du lịch này đã được quy hoạch để trở thành điểm thu hút khách du lịch biển và du lịch sinh thái. Các tuyến du lịch sinh thái kết hợp với thăm quan các di tích lịch sử văn hóa, đền, chùa, nhà thờ, khu thờ danh nhân văn hóa ở trong và ngoài tỉnh, các làng nghề, nuôi trồng thủy sản, khu vui chơi giải trí với nhiều loại hình đa dạng đã đang dần được hình thành, bước đầu đã thu hút khá đông du khách

3. Phát triển du lịch bền vững của tỉnh Thái Bình

Chiến lược biển Việt Nam chỉ rõ, đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Trong tương lai gần ngành kinh tế biển sẽ giữ vai trò chủ yếu để đảm bảo cho nhu cầu đời sống của nhân dân, đảm bảo cho dân tộc ta giàu mạnh và phát triển. Do đó, cần nhìn nhận kinh tế biển, đảo một cách toàn diện; phát triển kinh tế biển, đảo theo hướng bền vững, bảo đảm quyền lợi lâu dài của đất nước theo hướng phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, đảo, đảm bảo vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020 đã xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phấn đấu mức tăng trưởng khách du lịch bình quân thời kỳ 2011-2020 là 13%/năm, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 15%/năm; phát triển mạnh du lịch văn hóa gắn với các lễ hội, giỗ tổ đền Trần, tham quan chùa Keo, đền Đồng Bằng, du lịch sinh thái Cồn Vành, du lịch làng nghề Đồng Xâm Nam Cao…

Với tiềm năng đa dạng, từ du lịch biển, du lịch tâm linh đến du lịch làng nghề truyền thống, du khách có thể đến Thái Bình bất kỳ thời điểm nào trong năm. Mặc dù có tiềm năng du lịch rất lớn nhưng hàng năm lượng du khách đến với Thái Bình chưa cao, ít khi dừng chân lưu trú tại Thái Bình mà chỉ lựa chọn Thái Bình là điểm đến trong ngày, nối với các tua liên tỉnh. Hiện nay Thái Bình vẫn chưa trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, để ngành du lịch Thái Bình phát triển tương xứng với những tiềm năng sẵn có thì trong thời gian tới cần chú trọng tới những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng quy hoạch tổng thể và triển khai lập quy hoạch hệ thống bảo tồn, phát huy tác dụng di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh. Trong đó ưu tiên quy hoạch hệ thống các di tích liên quan đến lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật. Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng của các di tích tiêu biểu ở từng địa bàn, giải quyết hài hòa, bền vững giữa bảo tồn và phát huy di sản văn hóa với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình.

Thứ hai, tăng cường đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là các tuyến đường giao thông tới các điểm du lịch với đủ tiêu chuẩn an toàn và dễ tiếp cận cho khách du lịch để việc di chuyển được nhanh chóng an toàn và thuận tiện hơn. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích, tạo cơ chế huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, đầu tư nâng cấp các cơ sở lưu trú; phục hồi nâng cấp các làng nghề, tôn tạo và phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống, đầu tư phát triển các tuyến du lịch sinh thái, các công trình vui chơi giải trí…

Thứ ba, tăng cường liên kết để tạo ra những sản phẩm có tính đặc thù. Điểm yếu của du lịch các tỉnh phía Bắc, trong đó có Thái Bình là thuộc tính “mùa vụ”. Mùa xuân các điểm di tích lịch sử thường quá tải, mùa hè du lịch biển lên ngôi. Trong khi đó du lịch làng nghề có thể hoạt động quanh năm lại chưa được khai thác đầu tư hiệu quả. Bởi vậy hướng đi tốt nhất cho du lịch Thái Bình là kết hợp du lịch tâm linh “làng” với biển để “giãn mùa” đồng thời tạo nên du lịch đặc thù. Thái Bình có tiềm năng du lịch nhất định, nơi còn lưu giữ đa dạng nhất các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ hiện nay. Không chỉ là hệ thống di tích lịch sử Lý – Trần – Lê – Trịnh – Nguyễn, Thái Bình còn nổi trội so với các tỉnh khác trong vùng về số lượng lẫn giá trị của các làng nghề thủ công cổ, các sinh hoạt làng quê truyền thống gắn với nghệ thuật diễn xướng dân tộc như hát chèo, múa rối nước, múa cổ, lễ hội dân gian…Ví thế, cần chuyển hóa các tiềm năng này thành các sản phẩm du lịch đặc thù với các hoạt động du lịch hấp dẫn thì sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Mặt khác, một địa phương không thể phát triển du lịch một mình. Việc phát triển du lịch của một địa phương cần năm trong mối liên kết với các địa phương khác. Liên kết tổ chức các hoạt động du lịch , liên kết xây dựng các tuyến du lịch liên tỉnh…, liên kiết giữa các loại hình du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù. Các cơ quan quản lý của Thái Bình cùng các địa phương lân cận như Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam cần phối hợp với nhau để cùng liên kết phát triển cũng sẽ góp phần đạt được hiệu quả cao hơn.

Thứ tư, tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức của mọi người trong tỉnh trong việc giữ gìn môi trường sinh thái và những lợi ích lâu dài cho cộng đồng. Phát triển du lịch bền vững đòi hỏi sự tham dự có hiểu biết của tất cả mọi người, cả cộng đồng nhân dân địa phương, chính quyền sở tại, các công ty du lịch, nhân viên làm du lịch, cơ quan quản lý các khu bảo tồn, ý thức của du khách, tất cả đều phải được huấn luyện và giáo dụ kỹ càng và phải làm việc đồng bộ với nhau

Thứ năm, tăng cường quảng bá du lịch một cách đầy đủ hơn tới đông đảo người dân ở trong và ngoài nước. Dù có nhiều tiềm năng nhưng những lợi thế của du lịch Thái Bình vẫn chưa được nhiều du khách biết đến. Do vậy, cần phải chú trọng tới khâu quảng bá bằng những nội dung và hình thức phù hợp hơn nữa.

 Nguyễn Xuân Đĩnh - Phòng Khoa học

(Nguồn Tạp trí Công Thương số 7 tháng 6 năm 2017)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS. Cao Ngọc Lân, phát triển bền vững kinh tế biển từ thực tiễn tỉnh Thái Bình, tham luận tại Hội thảo “nghiên cứu và đào tạo vì sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” do Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà nội tổ chức

2. Quyết định số 270/QĐ-UBND ngày 30/1/2013 của UBND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012 - 2020”

 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017