THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 240
Trong tháng: 15640
Tổng: 1064055
 
Bài viết chuyên đề
Học tập, làm theo tấm gương đạo đức và lời dạy của Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân

Ngày cập nhật: 13/02/2017

   

TS.Nguyễn Hồng Chuyên
Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình



Nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và xã hội, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm, ngay sau khi giành được chính quyền, xây dựng bộ máy nhà nước mới. Đại hội XII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viến chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn” (1). Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó chính là do chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi vẫn đang hiện diện trong xã hội ta hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc học tập, làm theo lời dạy, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

1. Lời dạy của Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân

1.1. Chủ nghĩa cá nhân là gì?

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô.v.v.” (2).

Theo Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa cá nhân đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc” (3); chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của cách mạng, là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, làm tha hóa Đảng. Đây là sự nguy hiểm tiềm tàng, dai dẳng, có thể làm cho Đảng mất dần tính cách mạng; tính trí tuệ, tính đạo đức, tính văn minh và tính nhân dân. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là một thứ “địch nội xâm”, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước ta. Người dạy: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra” (4). Chính vì lẽ đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng đã và đang đặt ra cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, vien chức là phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

1.2. Tại sao phải chống chủ nghĩa cá nhân?

Hồ Chí Minh coi việc chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm cần thiết, thường xuyên của những người cộng sản chân chính. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến” (5), mà mỗi người phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ. Cuộc đấu tranh đó quyết liệt không kém cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù ngoại xâm; bởi lẽ, chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ của mỗi cá nhân và hành vi của mỗi cá nhân đó. Người nêu lên hình ảnh: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ” (6).

Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian trá, xảo quyệt, khéo dỗ dành khiến người ta đi xuống dốc, vì thế mà nó càng nguy hiểm. Chủ nghĩa cá nhân, trái ngược với đạo đức cách mạng, chỉ chờ dịp để phát triển, che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở chúng ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm” (7). Sở dĩ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức không chịu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, để lòng tham, ham muốn vật chất, lối sống hưởng thụ, tham vọng quyền lực chi phối mà rơi vào suy thoái, hư hỏng, chung quy cũng chính là do chủ nghĩa cá nhân. Vì lẽ đó, đạo đức cách mạng là bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người kết luận: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó” (8).

Hồ Chí Minh cũng lưu ý rằng: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân” (9). Người phân tích: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu. Nhưng lại phải thấy rằng chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình”. Như vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải ghi nhớ rằng chống chủ nghĩa cá nhân không phải là triệt tiêu lợi ích cá nhân.

1.3. Chủ nghĩa cá nhân biểu hiện như thế nào?

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân có những biểu hiện rất đa dạng mà Người gọi là “bệnh”: bệnh nể nang; bệnh tham lam; bệnh tham ô; bệnh lười biếng; bệnh hữu danh vô thực; bệnh kéo bè, kéo cánh...

Bệnh nể nang: Cán bộ, công chức mắc sai lầm, khuyết điểm, lẽ ra phải có hình thức kỷ luật tương xứng, nhưng vì nể nang nên chỉ nhắc nhở, phê bình cho xong chuyện; thậm chí có nơi còn che đậy cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu diếm đoàn thể. Người dạy: “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào” (10).

Bệnh tham lam: “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình” (11).

Bệnh tham ô: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư. Đụt khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô... Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”(12).

Bệnh lười biếng: “Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tiềm cách để trốn tránh” (13).

Bệnh hữu danh vô thực: “Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”(14).

Bệnh kéo bè, kéo cánh: Hồ Chí Minh dùng từ “cánh hẩu” trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. “Ai hợp với mình  thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống” (15)...

Tóm lại, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân” (16).

2. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân

Trước hết, Hồ Chí Minh là người nêu tấm gương về chống sùng bái cá nhân. Trong hoạt động giao tiếp với mọi người, dù là Chủ tịch nước, nhưng không bao giờ Hồ Chí Minh tự đặt mình vào vị trí cao hơn người khác. Khi được mọi người xưng tụng, tung hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, Người đề nghị mọi người ngồi xuống và nói: “...trăm năm đã là quá. Bây giờ Bác chỉ muốn nằm một chút thôi”. Hồ Chí Minh không bao giờ nghĩ mình là bậc vĩ nhân, không bao giờ đặt cái tôi cao hơn tập thể và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Hồ Chí Minh luôn nêu tấm gương sáng về phong cách sống chân thành, khiêm tốn, giản dị, phấn đấu suốt đời vì nước, vì dân. Người thường dạy: Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc; làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước; không ham người tâng bốc mình... Vào những dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Người thường tìm cách đi công tác vắng để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà. Người đề nghị các cơ quan, các địa phương đến ngày sinh của Người không tổ chức kỷ niệm, chúc thọ để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người dặn không tổ chức điếu phúng linh đình để tiết kiệm thời gian và tiền bạc của nhân dân.

Hồ Chí Minh luôn khuyên nhủ mọi người phải trong sạch, không tham lam, không ham tiền tài, danh vọng, không lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân. Chuyện kể rằng, đồng bào Thái Bình gửi biếu Bác 2 chai nước mắm. Bác tặng người khác 1 chai và nói: Hôm chủ nhật đồng bào Thái Bình có cho tôi 2 chai nước mắm làm bằng tôm. “Vật khinh tình trọng”, từ chối không được, tôi phải nhận lấy cho bằng lòng anh em. Nay tôi xin gửi biếu Cụ 1 chai và xin chúc Cụ mạnh khỏe.

Lần Bác tới thăm Xí nghiệp May 10 (nay là Tổng công ty May 10), Xí nghiệp biếu Bác bộ quần áo kaki, Bác đã gửi lại bộ quần áo và gửi kèm thư cảm ơn: “Bác cảm ơn các cô, các chú biếu Bác bộ quần áo, Bác đã nhận rồi, nay Bác xin gửi lại để làm phần thưởng thi đua”.

Trong dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên Xô, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô gửi cho Bác 4.000 rúp, gửi đồng chí thư ký của Bác 1.000 rúp để “tiêu vặt” trong thời gian ở thăm. Vì phép lịch sự xã giao mà Bác vẫn nhận; song trước khi rời Mátxcơva, Bác đã gửi lại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô 5.000 rúp và nói rằng, đã được Nhà nước Liên Xô chăm lo chu đáo rồi nên không tiêu gì đến số tiền đó.

3. Học tập, làm theo lời dạy, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân ở Thái Bình trong giai đoạn hiện nay

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ, chính quyền các cấp tỉnh Thái Bình đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020; đồng thời, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường học tập, làm theo lời dạy, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, về chống chủ nghĩa cá nhân nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp thiết.

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Thái Bình cần phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ về những tác hại của chủ nghĩa cá nhân, nhất là trong quan hệ giữa Đảng với dân. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân thì nó sẽ còn ngăn trở người cán bộ, đảng viên, công chức phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất đi niềm tin của nhân dân đối với Đảng. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định là hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (17).. Hiểu rõ nguồn gốc, bản chất, tác hại và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng là điều kiện cần thiết để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, quyết tâm chống chủ nghĩa cá nhân.

Đẩy mạnh học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống theo lời dạy, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân Thái Bình đã và đang góp phần ngăn ngừa, hạn chế và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức các cấp, các ngành của tỉnh phải là người tiên phong, gương mẫu trong học tập và làm theo những lời dạy, tấm gương của Bác; góp phần thiết thực trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, làm cho nội bộ các Đảng bộ, chi bộ và tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là đấu tranh chống lại kẻ thù vô hình, nhưng lại luôn ẩn nấp ngay trong mỗi người; bởi vậy, từng cán bộ, đảng viên, công chức phải luôn tự cảnh giác với chính bản thân mình, phải chủ động, tích cực vượt qua những cạm bẫy, cám dỗ của lợi ích vật chất và những tác động của mặt trái của cơ chế thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế; đề cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; đặc biệt cảnh giác với “tự diễn biến” từ bên trong nội bộ tổ chức, cơ quan. Từng chi bộ, cấp ủy, tổ chức đảng phải hết sức coi trọng khâu giáo dục đạo đức cách mạng; quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức về phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn cho đội ngũ công chức, viên chức trẻ. Mỗi công chức, viên chức trẻ phải nhận thức sâu sắc rằng, vào Đảng không phải là để thăng quan tiến chức, mà là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo lời dạy của Bác Hồ: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác... Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước” (18).

Về phía các tầng lớp nhân dân Thái Bình, mỗi người dân không nên coi việc chống chủ nghĩa cá nhân chỉ là yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên, công chức, mà phải coi đó cũng là yêu cầu đối với bản thân mỗi người; bởi chủ nghĩa cá nhân xuất phát từ “lòng tham”, dẫn đến thoái hóa, biến chất, mà “tham, sân, si” lại là thứ vốn có trong mỗi người. Học tập, làm theo lời dạy, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân đòi hỏi mỗi người dân phải tự tiết chế lòng tham. Khi lợi ích của cá nhân, gia đình bị xâm hại, người dân đấu tranh đòi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng là điều cần thiết; song không vì thế mà để chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, dẫn đến đòi hỏi những lợi ích phi lý, có hành vi vi phạm pháp luật; hoặc để kẻ xấu lợi dụng vào mục đích phi pháp khác.

Người dân cũng phải chủ động, tích cực giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân bằng cách phát hiện, tố cáo những cán bộ, đảng viên, công chức có hành vi sai trái, tiêu cực, phạm pháp do chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi; chân tình, thẳng thắn góp ý phê bình giúp cán bộ, đảng viên thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; biểu dương những cán bộ, đảng viên, công chức biết vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân./.

 


 

 

 

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 185.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.306.

3, Hồ Chí Minh, Sđd, tập 7, tr. 92.

4,5,7,11,13,14,15,18, Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.238 - 239;552;295;281;255;257;250-251.

6,8,9,10,16, Hồ Chí Minh, Sđd, tập 9, tr.448;292;291;292.

12, Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, tr.488.

17,18 Hồ Chí Minh, Sđd, tập 12, tr.557-558./.

 

 

 

 

 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017