THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 366
Trong tháng: 56348
Tổng: 1320771
 
Bài viết chuyên đề
Một số giải pháp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thái Bình

Ngày cập nhật: 11/11/2021

   
Được nhìn nhận là nguồn lực nội sinh và trung tâm điều tiết sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa ngày càng được coi trọng, đánh giá cao trong sự phát triển toàn diện và bền vững của xã hội, Đảng ta xác định: “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Từ nhận thức này, Đảng tập trung lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc một cách toàn diện, trong đó tập trung chỉ đạo những lĩnh vực văn hóa cơ bản: xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển văn học, nghệ thuật và hệ thống thông tin đại chúng… Sự lãnh đạo của Đảng đã hướng các hoạt động văn hóa đến các giá trị chân, thiện, mỹ và bảo đảm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. 
Cơ chế thị trường làm cho tính tích cực xã hội được phát huy các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trở nên năng động hơn, sự tác động của nền kinh tế thị trường đối với văn hóa về mặt tích cực đã được bộc lộ khá rõ nét. Tính tích cực của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đối với sự phát triển văn hóa được thể hiện trên các mặt, đó là: góp phần mở rộng trao đổi, quảng bá các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa một cách năng động, đa dạng; kích thích nhu cầu tiếp nhận văn hóa, góp phần dân chủ hóa trong hưởng thụ văn hóa; góp phần phân bổ nguồn lực, kích thích và đa dạng hóa tài năng sáng tạo, truyền bá, đánh giá, tiếp nhận các sản phẩm văn hóa; tạo điều kiện, cơ hội huy động nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa - xã hội. Đối với Thái Bình, văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đánh giá: “Nhận thức về vai trò của văn hoá được nâng cao. Truyền thống văn hoá, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình được chú trọng phát huy nhằm khơi dậy lòng tự hào, động lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ngày càng phát triển sâu rộng, góp phần xây dựng môi trường văn hoá, nếp sống văn hoá ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và khu dân cư, phát huy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Đời sống văn hoá của Nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Hoạt động văn học, nghệ thuật có nhiều tiến bộ; nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đạt nhiều giải thưởng của các bộ, ngành Trung ương”. Đến nay, toàn tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá và khu thể thao; 410 sân vận động, 868 sân bóng đá mini, 550 sân bóng chuyền, 330 sân bóng rổ, 742 sân cầu lông, 24 sân tennis, 322 nhà tập luyện và thi đấu thể thao đa năng, 61 bể bơi; trên 90% số gia đình đạt danh hiệu ”Gia đình văn hóa”; trên 93% số thôn, tổ dân phố trên 81% số xã, phường, thị trấn và trên 74% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 
Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, lôi sống thực dụng, làm cho người ta chỉ chú ý đến lợi ích vật chất mà coi nhẹ giá trị tinh thần, chỉ chú ý lợi ích cá nhân mà coi nhẹ lợi ích cộng đồng, chỉ chú ý lợi ích trước mắt mà coi nhẹ lợi ích lâu dài, cơ bản…Đối với lĩnh vực văn hóa, mặt trái của kinh tế thị trường thể hiện rất rõ như: sự phân hóa về cơ hội, điều kiện trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá các giá trị văn hóa thông qua các phương tiện truyền tải ngày càng gia tăng; xuất hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng thấp tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội; ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng; đe dọa việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc... văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX cũng chỉ rõ: “Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá,  giáo dục truyền thống ở một số địa phương, cơ sở chưa được chú trọng đúng mức”. Những vấn đề nêu trên đã làm thay đổi thang giá trị, tác động tiêu cực đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam. 
Những yếu kém trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan đó là: chưa đặt đúng vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội, chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hóa song song với chiến lược phát triển kinh tế; việc quản lý văn hóa lỏng lẻo chưa thực sự đúng định hướng và nguyên tắc của Đảng, chưa xử lý nghiêm những phần tử thoái hóa biến chất trong Đảng và bộ máy Nhà nước, chưa có cơ chế và chính sách phát huy nội lực của nhân dân, chưa tạo được phong trào quần chúng mạnh mẽ tham gia phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ văn hóa dân tộc, chưa coi trọng bồi dưỡng, giáo dục và phát huy khả năng của tuổi trẻ là lực lượng chính, là đối tượng chủ yếu của hoạt động văn hóa. 
Để khắc phục mặt tiêu cực, yếu kém và giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước, chúng ta cần chú ý đến luận điểm đang được nhiều người đồng tình, đó là: xét đến cùng, các trọng tâm, các động cơ và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa. Bên cạnh đó cần tập trung thực hiện tốt một số những vấn đề sau: 
Thứ nhất, quán triệt đầy đủ, sâu sắc và kiên trì kiên định thực hiện quan điểm xây dựng nền "văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" trong xu thế đa dạng hóa hình thái văn hóa hiện nay. 
Thứ hai, tăng cường sự quản lý của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa đồng thời với việc chuyển biến, thay đổi phương thức quản lý văn hóa, đặc biệt là đối với địa bàn cơ sở. 
Thứ ba, nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng việc tạo sức lan tỏa từ những mô hình tiêu biểu, với những giá trị nhân văn cốt lõi như những tấm gương bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố hay các hạt nhân gia đình văn hóa tiêu biểu; có các chế độ đãi ngộ để tạo động lực thúc đẩy những cá nhân tiêu biểu đó tiếp tục cống hiến cho cộng đồng. Lồng ghép các nhiệm vụ của phong trào vào các phong trào thi đua yêu nước khác của các ban, ngành, đoàn thể; huy động mọi nguồn lực và tập trung đầu tư cho văn hóa ngang tầm với đầu tư trong các lĩnh vực khác, tạo đà cho sự phát triển của văn hóa. 
Thứ tư, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở. 
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đồng thời quán triệt nhiệm vụ, giải pháp “Đẩy mạnh phát triển toàn diện và nâng cao các chất lượng các lĩnh vực văn hóa xã hội” đã nêu trong văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX./. 

-------

Thạc sỹ. Trần Đăng Lâm - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng


Tài liệu tham khảo.


1. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dan đoàn kết xay dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thái Bình. Ban chỉ phong trào TD ĐKXD ĐSVH 
2. Nghị quyêt TW9 Khóa XI 
3. Kết luận số 04-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2012-2020 
4. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX.
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017