THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 21
Trong tháng: 61382
Tổng: 1325805
 
Bài viết chuyên đề
Một số giải pháp đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội

Ngày cập nhật: 29/10/2021

   
Ngày nay, khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội đã trở thành phương tiện trao đổi thông tin quan trọng và không thể thiếu của nhiều người. Mạng xã hội giúp người dùng cập nhật thông tin nhanh, nội dung đa dạng,  hình thức phong phú… Mạng xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa,  xã hội và nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh những giá trị tích cực đó, mạng xã hội cũng bộc lộ nhiều hạn chế, tiêu cực như: đăng tải các thông tin xấu độc, tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch gây ảnh hưởng xấu đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta cần phải có và thực hiện tốt các biện pháp nhằm đấu tranh với các quan điểm sai trái,  thù địch trên không gian mạng xã hội. 
Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet, các trang mạng xã hội (Face book, YouTobe, Instagram…) để đăng tải các thông tin độc hại, kích động bạo lực, bịa đặt, hoặc đưa thông tin có một phần sự thật nhưng được sử dụng với dụng ý xấu nhằm định hướng dư luận theo ý đồ đen tối của chúng. Không chỉ vậy, chúng còn lợi dụng các cá nhân cơ hội chính trị, suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống để thành lập cái gọi là “xã hội dân sự”, chúng sử dụng các website và các trang mạng xã hội dưới danh nghĩa phản biện xã hội hay “diễn đàn dân chủ” để nói xấu và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng đòi đa nguyên, đa đảng và ra sức thành lập các tổ chức phản động đòi thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chúng khoét sâu mâu thuẫn dân tộc, gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, mưu toan lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây chính là những tổ chức cực kỳ nguy hiểm mà chúng ta cần phải đấu tranh, loại bỏ. 
Để đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay, chúng ta cần thực hiện tốt một số các giải pháp sau: 
Một là, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng xã hội. Pháp luật phải thật sự là công cụ, là “cây gậy” hữu hiệu để các cơ quan quản lý nhà nước xử lý hiệu quả các hành vi đăng tải, phát tán thông tin, quan điểm sai trái,  thù địch trên mạng xã hội. Trọng tâm của công tác này là tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về quản lý thông tin trên môi trường mạng xã hội. Các chế tài xử lý phải đủ sức răn đe. Theo đó, các cơ quan quản lý phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đăng tải, phát tán thông tin trên mạng xã hội. 
Hai là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Mỗi người dân và cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng đắn và kịp thời phát hiện, tẩy chay, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin xấu độc trên môi trường mạng. Để làm tốt điều này, các cơ quan tuyên giáo và chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch theo tinh thần của Nghị quyết số 35-NQ/TW ban hành ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Qua đó, người dân được nâng cao nhận thức, tăng “sức đề kháng” để chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với đó, chúng ta cần chủ động “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu” bằng cách chia sẻ những tin bài, hình ảnh có nội dung tích cực, những gương người tốt việc tốt...nhằm lan tỏa, nhân rộng những hành vi đẹp, những việc làm tốt trong cuộc sống. 
Ba là, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác an ninh mạng. Đội ngũ làm công tác an ninh mạng phải được tuyển dụng kỹ càng, được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, luôn học hỏi, cập nhật, dự đoán những xu hướng công nghệ mới để kịp thời ứng phó với cách thức tấn công mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Việc đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ an ninh mạng cần được thực hiện định kỳ, ở tất cả cấp độ và phải cụ thể cho từng vị trí công việc. Các cơ quan chức năng cần chủ động nghiên cứu, sử dụng các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu, độc trên các trang mạng xã hội, sử dụng các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ để xâm nhập, kiểm tra quy trình hoạt động, kịp thời ngăn chặn và vô hiệu hóa các trang mạng, các website có nội dung độc hại. 
Bốn là, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí, nhất là báo điện tử theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm đối với những trang báo “lá cải” đưa tin thất thiệt, không rõ nguồn lên mạng xã hội. Cùng với đó, các cơ quan Đảng và Nhà nước cần siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỷ luật. Mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, nghiêm cấm để lộ, lọt bí mật của Đảng, Nhà nước và của cơ quan, đơn vị; không lan truyền những thông tin sai lệch có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động quần chúng nhân dân. 
Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động trên mọi phương diện, nhất là trên mạng xã hội nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhà nước và Nhân dân, bảo vệ thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

-------

Thạc sỹ. Trần Thị Thêm - Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017