Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế của Học viện trên các mặt công tác năm 2017 và các nhiệm vụ trọng tâm Học viện cần thực hiện trong năm 2018, trong đó chú trọng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn, thực hiện thống nhất các chương trình trong toàn Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường bộ, ngành; đổi mới phương thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thực hiện đào tạo toàn diện, chú trọng cả nâng cao trình độ kiến thức, năng lực tư duy khoa học và rèn luyện lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống; khắc phục căn bệnh ngại học, lười học tập lý luận chính trị. Chú trọng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trên các hướng: bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, chính sách, pháp luật; phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện.
Đối với tổ chức bộ máy đơn vị, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của Đảng, trong năm 2018, Học viện sẽ tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy của Học viện và các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, phẩm chất, có tiềm năng trong nghiên cứu khoa học; đảm bảo sự phát triển liên tục và vững chắc của Học viện trong thời kỳ mới.
Tại Hội nghị, đã có nhiều tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu đến từ các trường chính trị tỉnh, thành phố, các đơn vị và Học viện trực thuộc đóng góp vào Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018. Đa số các ý kiến đều nhất trí cao với bản Dự thảo. Trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm, thẳng thắn và cởi mở, các đại biểu đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế còn tồn tại; đóng góp những giải pháp, kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác; tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò, vị thế và bản sắc của Học viện.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện báo cáo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương biểu dương những thành tích xuất sắc mà các tập thể cán bộ, công chức, viên chức, học viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua. Với phương châm “Đột phá - Sáng tạo - Chất lượng - Hiệu quả”, năm 2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học và trong các mặt công tác khác. “Thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng của Học viện, đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị đã được trang bị và nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý và tác phong công tác, lề lối làm việc; có khả năng và đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”, đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu trong thời gian tới Học viện cần tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế của Học viện với tư cách là Trường Đảng cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; tiếp tục khẳng định rõ vị thế là trung tâm quốc gia duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị cho hệ thống chính trị; là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; là cơ quan chịu trách nhiệm về tổ chức, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường bộ, ngành. Xây dựng chiến lược phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2025 và tầm nhìn 2035 với kế hoạch và lộ trình thích hợp, đảm bảo các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tham mưu, tư vấn đường lối, chính sách của Học viện thể hiện rõ bản sắc của ngôi trường cao cấp nhất của Đảng.
Trong đó, Học viện cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng: cơ bản, hệ thống, hiện đại và thực tiễn. Cập nhật các nội dung mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII; bổ sung những nội dung mới, những vấn đề mang tính toàn cầu, khu vực, trong nước đang tác động đến đời sống mọi mặt của đất nước. Đảm bảo các nội dung đào tạo, giảng dạy được áp dụng thống nhất và có sự quản lý chặt chẽ trong phạm vi toàn Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ thuộc các bộ, ngành. Đặc biệt trong năm 2018, Học viện cần chủ động xây dựng nội dung chương trình, lựa chọn giảng viên và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cấp chiến lược Khóa XIII và các khóa tiếp theo của Đảng; các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. “Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Học viện trong năm 2018”, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, đồng chí yêu cầu Học viện cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học vừa để bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vừa góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, chính sách, pháp luật; vừa để phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng yêu cầu Học viện cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Học viện và các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên có tính Đảng cao, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu lý luận, có kiến thức, tầm nhìn về đất nước và thế giới, có trình độ và phương pháp sư phạm, có phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu. Trong điều kiện hiện nay, Học viện cần tăng cường mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến phổ biến, trao đổi về chủ trương, đường lối, chính sách mới, về những vấn đề lớn, cấp thiết, quan trọng của đất nước; tăng cường mời các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương có trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy tại Học viện.
Đồng chí Trần Quốc Vượng đặc biệt nhấn mạnh về tính Đảng và tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ làm trong hệ thống trường Đảng, và cho rằng, đội ngũ cán bộ của Trường Đảng nhất thiết phải là những Đảng viên gương mẫu; tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và của dân tộc; am hiểu lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước. Đây chính là những tư chất nội tại không thể thiếu, tạo nên đặc thù phân biệt đội ngũ cán bộ, giảng viên của hệ thống trường Đảng với đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường đại học, các cơ sở đào tạo khác trên đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng tin tưởng với truyền thống vẻ vang 69 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và học viên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Tin, ảnh: Bùi Thanh & Mạnh Thắng (nguồn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)