Hòa trong không khí vui tươi phấn khởi
cùng với đồng bào cả nước đang hướng về những ngày thu lịch sử và long trọng tổ
chức các hoạt động kỷ niệm chào mừng 72 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19/8/1945
- 19/8/2017) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 -
02/9/2017); Trường Chính trị Thái Bình đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm khẳng
định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng tháng Tám và
Quốc khánh 02/9, qua đó giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, lòng tự
hào dân tộc và quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Cùng với các
hoạt động kỷ niệm và để thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp đào tạo cán
bộ, công chức, viên chức giữa Trường Chính trị tỉnh Thái Bình với Sở Nội vụ tỉnh
Thái Bình, Ban lãnh đạo Nhà trường đã tổ chức cho các học viên của lớp bồi
dưỡng kiến thức ngạch chuyên viên chính K13 và chuyên viên K37 đi trải nghiệm
thực tế tại Vườn quốc gia Ba Vì, Khu di tích lịch sử Đá Chông để nghiên cứu trau
dồi kiến thức, tìm hiểu về các địa danh lịch sử cách mạng và dâng hương báo
công với Bác Hồ.
Chuyến nghiên cứu thực tế (NCTT) tại Vườn
quốc gia Ba Vì, khu di tích lịch sử Đá Chông được Ban lãnh đạo Nhà trường quan
tâm, chỉ đạo sát sao và tổ chức chặt chẽ với sự tham gia điều hành chỉ đạo trực
tiếp của Thầy giáo Đặng Xuân Phong - Phó Giám đốc - phụ trách đoàn NCTT Lớp chuyên
viên chính K13 và Thầy giáo Nguyễn Đức Luận - Phó Giám đốc - phụ trách đoàn
NCTT Lớp chuyên viên K37, các thầy giáo, cô giáo là giáo viên chủ nhiệm lớp,
ban quản lý lớp học, lãnh đạo các phòng Khoa học, Đào tạo và trên 200 học viên.
Sáng ngày 26/8/2017, đoàn NCTT đã khởi hành đi Vườn quốc gia Ba Vì và Khu di
tích lịch sử Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Núi Ba Vì được coi là
ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Dãy núi Ba Vì gồm có ba đỉnh nổi lên giữa đồng
bằng Bắc bộ, bao gồm đỉnh Vua cao 1.296m; đỉnh Tản Viên cao 1.227m; đỉnh
Ngọc Hoa cao 1.131m. Ngôi đền thiêng thờ Bác nằm
ở độ cao 1.296 mét, ở đỉnh Vua, là đỉnh cao nhất dãy Ba Vì. Tại đây, đoàn NCTT Trường Chính trị Thái Bình bày tỏ lòng thành kính, làm
lễ dâng hương báo công, nguyện học
tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cán bộ, giảng viên và học viên Lớp Bồi dưỡng
kiến thức ngạch chuyên viên K37
dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh -
Khu di tích Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội
Trong Di chúc, Bác Hồ mong muốn sau này khi Người qua
đời không
nên tổ chức đám đình, lãng phí mà tro cốt của
người được hỏa táng, chôn cất trên một quả đồi tại khu vực Tam Đảo, Ba Vì, mỗi
khi nhân dân lên viếng thăm sẽ trồng cây lưu niệm. Vì thế, công trình tưởng
niệm Bác được khởi công ngày 01/3/1999 và hoàn thành cuối tháng 8/1999. Ngôi đền thờ
Bác mang phong cách kiến trúc truyền thống có 8 mái đao uốn cong ở bốn phía,
dựng trên những chiếc cột tròn trên chân đá tảng… Đền được xây dựng theo kết
cấu bền vững, uy nghiêm. Chính điện là một không gian mở, không có cửa. Trên bệ
thờ đá là bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức
hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trên
cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ. Hai bên bệ thờ là chuông đồng
và khánh đồng. Những hình ảnh và hiện vật về Bác được bày trang trọng tại đây
làm cho mọi người càng nhớ tới Bác. Trước Đền, một tấm bia đá lớn nguyên khối,
mặt trước khắc một đoạn trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao
động Việt Nam đọc trong lễ tang của Người năm 1969: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH,
người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân
dân ta, non sông đất nước ta”, mặt kia tấm bia khắc bút tích Di chúc của
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở bức tường đầu hồi của đền có hình trống đồng với hình
bản đồ Việt Nam và dòng chữ
màu vàng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có
thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”.
Khi
đặt chân tới ngôi đền thờ Bác trên đỉnh núi Vua cao sừng sững, dưới mây ngàn
lộng gió, ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa và được chiêm ngưỡng hình
ảnh thật gần gũi, bình dị, thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, mọi người
trong đoàn đều chung một cảm nhận, thấy bản thân mình trở nên tĩnh tâm hơn, thấm
thía hơn về đạo đức, tác phong vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ai cũng nguyện
hứa với lòng mình sẽ ra sức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất theo tấm gương đạo
đức của Người.
Cán bộ, giảng viên và học viên Lớp Bồi dưỡng
kiến thức ngạch chuyên viên chính K13
Chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí
Minh - Khu di tích Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội
13 giờ trưa cùng ngày,
Đoàn công tác tiếp tục di chuyển lên khu di tích lịch sử Đá Chông; địa điểm này
vào năm 1957 trong một lần lên thăm sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã
dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Thấy
khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí
này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn
quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc Tổng Cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn
làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Xung
quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là Công trường K9. Những
năm có chiến tranh phá hoại của Không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí
trong Bộ Chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây. Ngày 02/9/1969, Chủ
tịch Hồ Chí Minh mãi mãi đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là
nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969,
công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày.
Để giữ bí mật K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác đã được
di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật
tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969. Từ năm 1969 - 1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông
(có thời gian không dài ở K2). Đúng 16 giờ
ngày 18/7/1975, tại K9, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát về
Hà Nội. Đến 20 giờ ngày 18/7/1975 đoàn xe về đến Quảng trường Ba Đình. Kính cẩn
và trang nghiêm đưa thi hài của Bác vào Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người.
Hiện nay, K9 đã trở thành nơi một thời giữ yên giấc ngủ của Bác, Bộ Tư lệnh
Lăng bố trí bộ phận tiếp đón các đoàn cán bộ và nhân dân toàn quốc về thăm K9.
Tại đây Đoàn công tác Trường Chính trị Thái Bình thắp hương ở Nhà thờ Bác Hồ,
tham quan khu vực bảo quản thi hài Bác vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà
kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật, máy móc.
Có
thể khẳng định rằng Vườn quốc gia Ba Vì và khu di tích lịch sử Đá Chông (K9)
đây là những địa danh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt gắn liền với sự nghiệp giữ
gìn lâu dài thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây
đã được chính Bác chọn làm căn cứ để Bác cùng với Bộ Chính trị làm việc, quyết
định một số vấn đề về kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng xã hội chủ
nghĩa ở miền Bắc. Vì thế, mỗi chúng ta cần phải giữ gìn, phát huy ý nghĩa chính
trị của những khu di tích này để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tự
hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau; đồng thời, để chúng ta thêm vững
vàng, tin tưởng thực hiện thắng lợi di nguyện cuối cùng của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn
đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu
mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”./.
Đinh Danh Cảnh
Học viên Lớp BDKT ngạch chuyên viên K37