THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 80
Trong tháng: 56479
Tổng: 1320902
 
Nghiên cứu thực tế
Hồi ký và những giá trị về mặt sử liệu

Ngày cập nhật: 10/07/2020

   
1. Đôi nét về sử liệu học 
Sử liệu học là ngành có mầm mống từ lâu đời song phải đến thế kỉ XIX khi chủ nghĩa thực chứng lên ngôi thì đây mới thực sự trở thành một ngành khoa học. Cho tới hiện nay cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật thì sử liệu học cũng đạt được những thành tựu quan trọng và trở nên thiết yếu đối với hoạt động nghiên cứu lịch sử. 
Hiện vẫn tồn tại rất nhiều định nghĩa về sử liệu, có thể thấy, về cơ bản những định nghĩa này có nội hàm giống nhau tuy nhiên cách diễn đạt lại khác nhau. Có thể dẫn ra một vài ví dụ tiêu biểu như: 
Theo E. Bernheim trong “Phương pháp luận sử học, 1889”: “Sử liệu là những hết quả hành động của con người, nhưng kết quả này hoặc từ ý đồ có trước, hoặc từ bản thân sự tồn tại của nó, đặc biệt có ích cho nhận thức và kiểm tra sự kiện lịch sử”. 
Theo Langlois. Ch và Seingnobos. Ch trong “Nhập môn nghiên cứu lịch sử, 1897”: “Sử liệu là những dấu vết do tư tưởng và hành động của con người từ quá khứ để lại”. Theo định nghĩa của Langlois và Seingnobos thì sử liệu chỉ là những kết quả của hành động con người đã diễn ra không quan tâm đến hình thức thời gian của nó, vì đây chỉ là những kết quả do hoạt động của con người sinh ra nên ít nhiều mang tính bị động, nguồn sử liệu này có thể ta đã nhận thức được cũng có thể ta chưa nhận thức được (bao gồm nguồn sử liệu hiệu quả và nguồn sử liệu tiềm năng).  
J. Topolski trong “Phương pháp luận sử học, bản dịch năm 1967” đã đưa ra định nghĩa mang tính khái quát hơn: “Sử liệu là tất cả những gì mà từ đó khai thác được thông tin từ quá khứ”. 
Còn GS. Hà Văn Tấn đưa ra định nghĩa trên cơ sở những định nghĩa trên: “Sử liệu là toàn bộ những thông tin về quá khứ và những gì mà các thông tin đó truyền đạt”. 
Có thể thấy, dù được diễn đạt bằng cách này hay cách khác thì sử liệu luôn là cơ sở để các nhà sử học nắm bắt được quá khứ. Bản thân sử liệu là một sự kiện hay là “một mảnh” của sự kiện. Nhưng mặt khác, sử liệu chứa đựng những thông tin lịch sử được nhà sử học khai thác. Sử liệu là cầu nối duy nhất giữa nhà sử học và quá khứ. Dù các nhà sử học có cố gắng đến mấy thì sự kiện sử học chỉ tiêm cận với sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Tùy theo năng lực, chỗ đứng, và cách tiếp cận khác nhau mà mỗi nhà sử học lại lại đưa ra những nhận thức khác nhau. 
Trong quá trình nghiên cứu các nhà sử học đã phân loại sử liệu ra thành nhiều loại khác nhau và theo những cách khác nhau. Có ba cách phân chia sử liệu tương đối phổ biến đó là: Sử liệu thành văn và sử liệu không thành văn; sử liệu trực tiếp và sử liệu gián tiếp; sử liệu truyền miệng, thành văn và vật thực. Mỗi loại sử liệu có vai trò khác nhau và không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu lịch sử. 
Nhưng nổi bật trong số đó phải kể đến nguồn sử liệu thành văn, hay còn gọi là nguồn sử liệu chữ viết. Tuy không phải là nguồn sử liệu xuất hiện đầu tiên nhưng đây được xem là nguồn sử liệu được sử dụng phổ biến và hiệu quả nhất. Bên cạnh những tác phẩm lịch sử được biên chép hết sức công phu, các nhá sử học còn khai thác thông tin từ những nguồn sử liệu chữ viết khác. Hồi ký là một trong số đó, đây là loại hình ghi chép không mới tuy nhiên đặc biệt trong những năm gần đây xuất hiện khá nhiều những cuốn hồi ký thu hút sự quan tâm trong giới nghiên cứu lịch sử cũng như trong dư luận. Vậy câu hỏi đặt ra là, hồi ký có được xem là một nguồn sử liệu trong nghiên cứu lịch sử hay không? Và nếu có thì giá trị của hồi ký trong nghiên cứu lịch sử là như thế nào?   
2. Hồi ký – với tư cách là một nguồn sử liệu 
Muốn tìm hiểu vai trò của hồi ký trong nghiên cứu lịch sử trước hết ta phải hiểu được thế nào là một tác phẩm hồi ký. Có thể hiểu một cách đơn giản nhất: Hồi ký là những tác phẩm hồi cố của một nhân vật về chính cuộc đời của mình, tác phẩm hồi ký có thể do chính nhân chính trong hồi ký là tác giả, cũng có thể là người khác nghe kể và biên chép lại. Có thể thấy rằng: hồi ký là những ghi chép được lựa chọn, luôn luôn biên tập lại sự miêu tả về cuộc sống, hầu như lúc nào cũng mang mục đích luận cao trong cấu trúc (trong đó chúng được viết để diễn giải kết quả một cuộc đời chứ không phải để ghi lại quá trình đó). Vì vậy, nhìn chung, tài liệu cá nhân ghi chép lại quan điểm của người viết về sự kiện, có lẽ thậm chí cả kí ức của họ về việc họ đã trải qua ra sao, và chúng thường cho ta biết nhiều về mục đích chính trị, sách lược tư tưởng của tác giả, cũng như văn hóa thời kì tác giả sinh sống. Hồi ký không phải là một ghi chép đơn thuần mà vấn đề nổi lên chính là mục đích của tác giả trong cuốn hồi ký đó. Vì vậy, hồi ký được xếp vào nhóm tài liệu có “chủ đích”. Song, để khẳng định một tài liệu là “ngẫu nhiên” hay có “chủ đích” lại không hề dơn  giản. Có thể, hồi ký được viết ra với những ý đồ có trước nên tính “mục đích” của loại tài liệu này là khá rõ ràng. Tuy nhiên, trong khi viết để bảo vệ, biện minh cho một mục đích nào đó của mình thì hồi ký cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá mà bản thân tác giả cũng không ý thức được. Rõ ràng, xét trên một góc độ nào đó thì hồi ký cũng được xem là một nguồn sử liệu và có những giá trị nhất định trong nghiên cứu lịch sử.
Những thông tin hồi ký thường cung cấp cho nhà sử học là: 
Hồi ký giúp cho các nhà sử học có được cái nhìn đa chiều với một sự kiện lịch sử. Có thể lấy một ví dụ như: dựa vào hồi ký của những vị tướng, binh lính đã từng tham gia một trận đánh có thể giúp những nhà sử học tiếp cận với sự kiện lịch sử và nhìn nhận nó dưới một góc độ khác (có khi chỉ là mang tính cá nhân), ít nhiều cuốn hồi ký cũng gợi nên không gian và tính chất của người viết và cảm xúc của tác giả. Mỗi người lại có sự miêu tả và cảm xúc không giống nhau về một sự kiện, chính vì thế mà cung cấp cho nhà sử học những khám phá mới trong so sánh và đối chiếu những sự kiện này. Có thể trong một cuộc chiến cái nhìn của vị tướng cầm quân hoàn toàn khác với một anh lính trực tiếp tham gia vào trận đánh. Hiện nay khi nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, một nguồn sử liệu đước các nhà sử học hết sức lưu ý đó chính là hồi ký của những vị tướng, những cựu quân nhân (cả Pháp và Mỹ)  trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Thông qua đó giúp ta có cái nhìn sấu sắc hơn về chiến tranh Việt Nam, về sự thảm khốc của cuộc chiến, về tâm trạng thực sự của những người “bên kia chiến tuyến”. 
Một hồi ký có thể cung cấp những thông tin cho nhà nghiên cứu mà chính tác giả không ý thức được. Thông qua một số tác phẩm hồi ký mà các nhà sử học có thể xác định được niên đại của một số tác phẩm, năm sinh năm mất của một số nhân vật. Tuy không phải là mục đích của tác giả hướng tới, nhưng trong quá trình viết tác giả có nhắc tới một số sự kiện, nhân vật, tác phẩm nào đó, vô tình những chi tiết này lại cung cấp cho người nghiên cứu những tư liệu hết sức quý giá.  
Dù là một nguồn sử liệu trong nghiên cứu, nhưng hồi ký có những hạn chế mang tính đặc trưng của loại hình tài liệu này: 
Xét ở góc độ nào thì tính nổi bật của hồi ký là tính cá nhân, chủ quan và được định hướng theo mục đích của người viết. Không giống như nhật kí được viết ra dành cho riêng mình và không hề có ý định cho người khác đọc, thì hồi ký được viết ra với mục đích công bố rộng rãi. Nhật kí được ghi chép theo hàng ngày, vì vậy sự kiện được ghi chép khá chính xác và thái độ của người viết bộc lộ là khá trung thực (vì chỉ viết cho riêng mình họ hoàn toàn không có lý do gì để phải che đậy suy nghĩ và cảm xúc thật của mình). Còn hồi ký được viết lại bởi sự hồi cố của tác giả về những sự kiện đã qua, vị thế và bản thân tác giả giữa thời điểm viết và thời điểm diễn ra sự kiện trong quá khứ đã khác xa nhau, chính vì vậy sự nhìn nhận của tác giả về sự kiện đó ít nhiều đã bị thay đổi chứ không còn nguyên bản chất. Mặt khác, mục đích của hồi ký là viết ra hướng đến đông đảo người đọc nên cảm xúc thực sự của tác giả đôi khi bị che giấu đi thay vào đó là thái độ dễ tìm kiếm được sự đồng tình của người đọc. Khi viết hồi ký tác giả có thể không diễn tả lại chính xác những sự kiện diễn ra trong thời điểm đó vì có thể những sự kiện có sự tham gia của tác giả và thành công thì được ghi chép hết sức tỉ mỉ nhưng một số sự kiện tác giả không tham gia hay không giành được thắng lợi thì không hề được nhắc tới. Do vậy, khó mà có thể hình dung được bức tranh mà cuốn hồi ký dựng lên đã đầy đủ và chân thực hay không, mà nếu khiếm khuyết thì khiếm khuyết phần nào. Và vai trò thực sự của người viết trong sự kiện lịch sử đã diễn ra là như thế nào. 
Một trong những hạn chế nữa trong khi nghiên cứu dựa vào hồi ký gặp phải  là do được ghi chép lại hoàn toàn do nhân tố khách quan, thời gian diễn ra sự kiện đã quá lâu nên có những sự kiện tác giả không nhớ được hoặc không nhớ chính xác được. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong các tác phẩm hồi ký. Chính vì vậy trong khi nghiên cứu, sử dụng những thông tin từ hồi ký phải trải qua công tác phê phán sử liệu. 
Sử liệu chính là phương tiện mà thông qua đó nhà sử học có thể nhận thức được những gì đã xảy ra trong quá khứ. Với mỗi loại tài liệu lại yêu nhầu những nhà nghiên cứu phải có những cách làm việc khác nhau để khai thác được thông tin sao cho có hiệu quả nhất. Hồi ký là nguồn sử liệu mà nếu biết cách khai thác thì ta cũng thu được nhữn thông tin hết sức thú vị. Và dù là mang đậm tính cá nhân và chủ quan nhưng hồi ký cũng giúp cho ta có thể nhìn nhận về quá khứ đã qua một cách sinh động và nhiều cảm xúc. Dù có những đóng góp nhất định trong nghiên cứu lịch sử nhưng cũng không thể phủ nhận được những hạn chế của loại hình sử liệu này. 

Thạc sỹ Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017