THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 156
Trong tháng: 58360
Tổng: 1322783
 
Bài viết chuyên đề
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo - gía trị lý luận và thực tiễn

Ngày cập nhật: 05/08/2021

   
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung quan trọng trong kho tàng lý luận của Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh CNH,HĐH, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh”, việc nghiên cứu tư tưởng của Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề có ý nghĩa thiết thực về lý luận và thực tiễn. 
1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam 
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu không thể thiếu được đối với nhân dân, là cái thiêng liêng không ai được xâm phạm hay làm tổn hại, đồng thời, đó cũng là một trong những mục tiêu phấn đấu của cách mạng. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính là tôn trọng nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân, tôn trọng tự do, dân chủ trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau: 
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ của Đảng và Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, phong tục tập quán của nhân dân. Trong Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người yêu cầu: “Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục tập quán của đồng bào” [10, tr.448]. Trong Chính cương của Mặt trận Liên Việt, tại Điều 7, điểm 1 cũng ghi rõ: “tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng cho mọi người”. Ngày 01/02/1947, trong Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định lại quan điểm này: “Trong Hiến pháp ta định rõ: Tín ngưỡng tự do. Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích công giáo sẽ bị phạt. Chắc cụ không bao giờ tin rằng Việt Minh chống lại đạo vì cụ thừa biết Việt Nam độc lập đồng minh là cốt đoàn kết tất cả các đồng bào để làm cho Tổ quốc độc lập chứ không phải để chia rẽ phản đối tôn giáo. Mà tôi cũng không bao giờ nghĩ rằng đồng bào Công giáo chống Việt Minh, vì hơn ai hết, đồng bào Công giáo càng mong cho Tổ quốc độc lập, cho tôn giáo được hoàn toàn tự do; và tôi chắc ai cũng tuân theo khẩu hiệu: Phụng sự Thượng đế và Tổ quốc” [9, tr.53]. 
Chống vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức. Đây chính là biện pháp để quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng và triển khai hiệu quả trong thực tế. Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ “phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”. Đồng thời, Người cũng yêu cầu các nhà tu hành, các chức sắc tôn giáo “có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” [13, tr.200]. Đồng bào và chức sắc tôn giáo phải có nghĩa vụ tuân theo pháp luật; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Hồ Chí Minh chủ trương tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo hiểu rõ và tin tưởng vào chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tự do tín ngưỡng, từ đó giáo dục quần chúng thực hiện đúng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình, nâng cao cảnh giác, “chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp”. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền, kích động quần chúng chống lại cách mạng. Người chỉ rõ ở Điều 7, Sắc lệnh 234 (Sắc lệnh về tôn giáo, ngày 14/6/1955) ghi rõ: “Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác hoặc làm những việc trái pháp luật”. 
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không được làm ảnh hưởng đến người khác. Quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân là quyền tin hoặc không tin, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đồng thời nghiêm cấm bài xích, đối đầu nhau, gây mất đoàn kết, làm cho kẻ thù dễ lợi dụng chia rẽ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong một nước văn minh có sự tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận nhưng không được vu khống kẻ khác” [13, tr.73]. Quan điểm của Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn bao hàm cả sự thừa nhận quyền tự do lựa chọn tôn giáo để theo của đồng bào cũng như sự bình đẳng giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, sự tự do tín ngưỡng, tự do lựa chọn tôn giáo của mỗi người không được cản trở đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. 
Cán bộ phải gương mẫu, giải thích, hướng dẫn cho đồng bào thực hiện đúng chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Toàn thể đồng bào, trước hết là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam và hội viên của Liên Việt cần: (1) Hiểu rõ và làm đúng chính sách của Mặt trận và Chính phủ về vấn đề tôn giáo. (2) Ra sức giải thích cho đồng bào tôn giáo hiểu chính sách để lương giáo đoàn kết chặt chẽ cùng nhau kháng chiến kiến quốc, thực hiện tự do tín ngưỡng”.  [3]. 
2. Giá trị lý luận và thực tiễn tư tưởng Hổ Chí Minh về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam 
Một là, về giá trị lý luận: 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là sự vận dụng, phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo trong sự hài hòa giữa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với tinh hoa văn hóa nhân loại,  góp phần bổ sung quan trọng vào kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo. 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nền tảng lý luận để Đảng ta từ khi ra đời xem đó là sợi chỉ đỏ trong việc đề ra đường lối và chỉ đạo thực thi đường lối về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong suốt tiến trình cách mạng ở Việt Nam. 
Hai là, về giá trị thực tiễn: 
Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo với tình hình thực tiễn. Quan điểm của Người được Đảng ta quán triệt sâu sắc trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thông qua việc khẳng định, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một chính sách nhất quán của Đảng ta kể từ khi thành lập đến nay. 
Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, khi giải quyết vấn đề tôn giáo - dân tộc, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã có quan điểm, định hướng đúng đắn, coi vấn đề tôn giáo phải luôn đặt trong vấn đề quốc gia - dân tộc, chủ trương đoàn kết dân tộc, tôn giáo để kháng chiến - kiến quốc. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng đồng thời giành tự do cho nhân dân, trong đó có đông đảo đồng bào theo các tôn giáo, theo nguyên lý đất nước có độc lập thì tôn giáo mới tự do. Cuộc đấu tranh chung đã gắn kết đồng bào các tôn giáo với cả dân tộc. Và đồng bào các tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc, tăng thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày 03/9/1945 khi chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết" [8, tr.8]. Ðiều này trở thành "một nguyên tắc của chính thể dân chủ cộng hòa" (Biên bản phiên họp Chính phủ ngày 20/9/1945) và quyền tự do tín ngưỡng của công dân Việt Nam đã được khẳng định trong Ðiều 10 Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới. 
Sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 16/3/1955, Quốc hội khóa I thông qua Nghị quyết bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Nghị quyết được luật hóa bằng Sắc lệnh số 234/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 16/4/1955. Cùng với các quy định việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Sắc lệnh số 234/SL còn quy định đối với những hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội của các tôn giáo, đối với vấn đề ruộng đất của các tôn giáo, quan hệ giữa chính quyền nhân dân và các tôn giáo. Ðồng thời, khẳng định: "Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hòa luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện". 
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta xác định rõ những quan điểm, chủ trương về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo. Ngày 16/10/1990, Bộ Chính trị (khóa VI) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về "Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới"; trong đó, khẳng định hai luận điểm có tính đột phá là: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân" và "Tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới". 
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã thông qua Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 "Về công tác tôn giáo"; trong đó tiếp tục khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta" [4, tr. 48]. 
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm” [5, tr.240] và tiếp tục nhấn mạnh: “Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo” [5, tr.304]. 
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có 4 trong 10 văn bản đã đề cập trực tiếp các nội dung liên quan đến tôn giáo. Có lẽ đây là lần đầu tiên Đảng ta đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện, có trọng điểm với dung lượng nhiều nhất so với các kỳ đại hội trước. Cùng với đó là sự đánh giá khách quan, khái quát những điểm cốt lõi về tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo ở nước ta; đồng thời, Đảng ta tiếp tục khẳng định và bổ sung một số nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đó là:  
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước” [6, tr.50-51].  
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nêu rõ: “Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan” [6, tr.144]. Đồng thời, tiếp tục khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc” [6, tr.171]. 
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng ta xác định: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội” [6, tr.272]. 
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Đảng ta đã đánh giá: “Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo” [7, tr.45]. Tuy nhiên: “Quản lý Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng có mặt còn hạn chế. Có hiện tượng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi” [7, tr.73].  Về dự báo bối cảnh quốc tế và khu vực, Đảng ta chỉ rõ: “Chủ nghĩa dân tộc, cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo... là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia” [7, tr.87-88].Về nhiệm vụ, giải pháp, Đảng ta nhấn mạnh: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo” [7, tr.141]. 
Như vậy, những nội dung liên quan đến tôn giáo, công tác tôn giáo được đề cập trong văn kiện các kỳ đại hội thể hiện Đảng ta đã kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời bổ sung, tiếp thu những đóng góp quý báu từ các tổ chức, cá nhân, nhất là nguyện vọng của đồng bào có đạo, phù hợp với thực tiễn sinh động của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta. Các quan điểm, chủ trương của Đảng ta không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đánh giá cao vai trò của các tôn giáo đối với dân tộc, đất nước và chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là cơ sở định hướng trong nhận thức và thực hiện có hiệu quả công tác tôn giáo, tiếp tục phát huy “các nguồn lực của các tôn giáo” cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đồng thời đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta. 
Nhằm phát huy có hiệu quả các nguồn lực của các tôn giáo, bên cạnh phải sử dụng tổng hợp các phương thức tác động phù hợp, nhìn nhận khách quan những tác động của tôn giáo đối với xã hội, cả tác động tích cực, tiêu cực, không đề cao quá mức cũng không phủ nhận sự đóng góp của các tôn giáo, cũng cần có cơ chế, chính sách đúng đắn, kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo sử dụng các nguồn lực của mình tham gia vào các hoạt động phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, những nội dung liên quan đến tôn giáo, công tác tôn giáo luôn được Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành quan tâm. Đáp ứng quá trình hoàn thiện pháp chế xã hội chủ nghĩa, trong Hiến pháp năm 1992 và năm 2013 đều ghi nhận và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều 70, Hiến pháp năm 1992 và nhất là Điều 24 Hiến pháp năm 2013 về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân" đã nêu rõ: "1- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3- Không ai được xâm phạm tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật" [9,  tr.20] 
Ngày 18/6/2004, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành "Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo" (số 21/2004/PL-UBTVQH 11), quy định rõ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo... Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật, như: Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 01/3/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của "Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo"; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 04/02/2005 "Về một số công tác đối với đạo Tin lành"; Chỉ thị số 1940/CT-TTg, ngày 31/12/2008 "Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo"; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 08/11/2012 "Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo" thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 01/3/2005 của Chính phủ. Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 01/2013/TT-BNV, ngày 25/3/2013 "Ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo"; các bộ, ban, ngành liên quan cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. 
Tóm lại, trên cơ sở lập trường duy vật triệt để, Hồ Chí Minh đã có một tầm nhìn khá bao quát và rộng rãi. Điều đó đã đưa Người vượt qua thành kiến hẹp hòi đối với tôn giáo, thực hiện thắng lợi chiến lược đoàn kết toàn dân, góp phần đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mặc dù ra đời đã lâu, trong một hoàn cảnh khá đặc biệt của đất nước, nhưng mãi cho đến nay tư tưởng của Người vẫn còn giá trị, là di sản tư tưởng vô cùng quý giá giúp Đảng và Nhà nước ta có cơ sở lý luận hoạch định chính sách tôn giáo trong bối cảnh tín ngưỡng tôn giáo đang diễn biến không ít phức tạp như hiện nay. Do đó, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh và tuyên truyền giáo dục cho mọi người cùng hiểu, đặc biệt là quần chúng có đạo là việc làm cần thiết nhằm đoàn kết tốt các tôn giáo, vận động toàn dân thực hiện tốt những nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước về tôn giáo, đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

-----

Thạc sỹ. Phùng Thị Hương Huệ - Giảng viên khoa lý luận cơ sở

 
Tài liệu tham khảo 

1. Phạm Ngọc Anh, Nguyễn Xuân Trung, Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng: Sách chuyên khảo, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2017. 
2. Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2018. 
3. Báo Nhân dân, ngày 27/12/1951. 
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương (khóa IX), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003. 
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016. 
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021. 
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021. 
8. Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Hồng Vân, Bùi Kim Ngân, Văn bản pháp luật Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017. 
9. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 2014. 
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. 
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011. 
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
Thạc sỹ. Phùng Thị Hương Huệ - Giảng viên khoa lý
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017