THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 26
Trong tháng: 55601
Tổng: 1320024
 
Bài viết chuyên đề
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân đối với thanh niên

Ngày cập nhật: 26/03/2021

   
Thanh niên là lực lượng quan trọng của mỗi dân tộc. Sự phát triển của thanh niên ảnh hưởng tới vận mệnh tương lai của một đất nước, một dân tộc. Vì thế bất cứ quốc gia nào và chế độ xã hội nào muốn tồn tại, phát triển đều phải quan tâm đến việc chăm lo bồi dưỡng, giáo dục thế hệ tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tương lai của dân tộc, tiền đồ của tổ quốc và sự thắng lợi phát triển của cách mạng phần lớn phụ thuộc vào việc giáo dục thanh niên. Trong bản Di chúc, trước lúc đi xa, Người đã dặn dò: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Theo Hồ Chí Minh, để thanh niên xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước, là những cán bộ kế cận của Đảng, phải giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên có phẩm chất đạo đức và năng lực: Có tài, có đức, “vừa hồng, vừa chuyên” và trong mối quan hệ đó, phải coi đạo đức là “gốc”, là vấn đề có ý nghĩa quyết định của việc xây dựng con người mới. Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” của  ngành giáo dục phổ thông và sư phạm, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nội dung giáo dục cần chú trọng hơn nữa về đức dục. Tức giáo dục đạo đức phải dành ưu tiên nhiều về nội dung, chương trình, thời gian, kết hợp giáo dục đạo đức với các khoa học khác để hoàn thiện nhân cách người thanh niên xã hội chủ nghĩa. Xuất phát từ tư tưởng coi đạo đức là gốc cho nên Hồ Chí Minh có nhiều bài nói, bài viết đề cập tới giáo dục đạo đức cách mạng trong đó phải kiên quyết bài trừ chủ nghĩa cá nhân. Với thanh niên thường có nhiều ham muốn, song phải giáo dục cho sự ham muốn cao đẹp, chính đáng, không thể cho những ham muốn thấp hèn trở thành thói quen trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày. Bởi những ham muốn thấp hèn đó làm cho thanh niên thoái hóa, biến chất, hư  hỏng. Nếu không giáo dục thanh niên đức tính tiết kiệm dẫn đến tiêu pha phung phí, từ đó dễ đưa họ vào con đường làm ăn bất chính, vi phạm pháp luật. Phẩm  chất chủ yếu của đạo đức cách mạng đó là chủ nghĩa tập thể và đối lập với nó là chủ nghĩa cá nhân. Người rất coi trọng vai trò của cá nhân trong xã hội trên nguyên tắc cá nhân gắn chặt với xã hội, với tập thể. Nếu không có cách nhìn nhận đó, tách mình khỏi tập thể chỉ biết sống vì mình, khinh miệt và xa lánh nhân dân, thì thanh niên sẽ rơi vào chủ nghĩa cá nhân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể “Miễn là mình béo, thiên hạ gầy”. Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra mọi thói hư tật xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, tham ô…Nó khéo làm người ta đi xuống dốc, mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc vì thế mà càng nguy hiểm. Người đã nói nhiều lần về tính chất nguy hiểm của xảo quyệt xấu xa của chủ nghĩa cá nhân. Vì “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình dù ít thôi thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.   
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân” mà đòi hỏi thanh niên phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích của mình với lợi ích của tập thể và của xã hội làm cho lợi ích cá nhân và lợi ích tập thế phát triển hài hòa. Không đòi hỏi yêu cầu cá nhân phải hạn chế lợi ích của mình, mà yêu cầu cá nhân quan tâm thúc đẩy lợi ích riêng một cách hài hòa  trong sự phát triển lợi ích chung của tập thể và xã hội trong những trường hợp nhất định phải biết hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung “Nếu những lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”. Thanh niên phải tự hỏi mình đã làm gì cho tổ quốc hôm nay, chứ không  hỏi nước nhà đã làm cho mình những gì. Đối với tập thể và gia đình cũng vậy. Phải giáo dục cho thanh niên có tình thương trách nhiệm với mọi người thì mới trở thành  cơ sở tình cảm để chúng ta chống chủ nghĩa cá nhân. 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Mà muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải gột sạch chủ nghĩa cá nhân”. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để trở thành những cán bộ cách mạng chân chính, thanh niên phải coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là nền tảng, là gốc, bỏi vì: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…”; “khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn”; “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Người rất chú trọng đến việc giáo dục những phẩm chất cao quý: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; những tác phong đẹp đẽ như khiêm tốn, giản dị, có tinh, thần lao động tích cực, siêng năng, gan dạ, táo bạo và sáng tạo; là đức tin “trung thành, thật thà, dũng cảm” trong đời sống và trong công việc kiên quyết chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng. Người nói “Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói quen xem khinh lao động, nhất là lao đông chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”, vì đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của thanh niên, sinh ra chủ nghĩa cá nhân. Phẩm chất đạo đức, năng lực của mỗi con người “không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố”. Đối với thanh niên - những người đang trong quá trình tích lũy tri thức và hình thành nhân cách, thì việc giáo dục phẩm chất đạo đức, việc tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người “phải thường xuyên như đánh răng, rửa mặt hàng ngày”. 
Khi chủ nghĩa cá nhân có điều kiện thuận lợi để tồn tại và phát triển sẽ là mối nguy hại vô cùng to lớn. Do vậy, trên cơ sở nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chủ động đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đoàn viên hiện nay là việc làm cần thiết, thường xuyên và là lương tâm, trách nhiệm của các tổ chức đoàn, những đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. 
Một là, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân chỉ thực sự có hiệu quả khi mỗi đoàn viên, thanh niên hiểu rõ mục tiêu lý tưởng, đường lối, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiêu chuẩn, tư cách, đạo đức cách mạng của đoàn viên, thanh niên trong thời kỳ mới. Xây dựng cho đoàn viên, thanh niên tinh thần trách nhiệm và ý thức chính trị, nhận thức rõ về sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân đối với cơ quan, đơn vị và xã hội. 
Hai là, mỗi đoàn viên, thanh niên cần nêu cao tinh thần đoàn kết thống nhất trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình yêu thương đồng chí; tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân; giữ gìn ý thức tổ chức và kỷ luật; luôn nêu cao chí khí cách mạng, không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua trong học tập, lao động và chiến đấu. 
Ba là, phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình. Phát huy dân chủ, đề cao tự phê bình và phê bình nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, tăng cường sự giám sát của tập thể đối với đoàn viên, thanh niên. Trong tự phê bình và phê bình phải thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc; tự phê bình và phê bình có lý, có tình, trên tinh thần thương yêu đồng chí, tôn trọng nhân cách của mỗi con người. Đây là vũ khí sắc bén và rất cần thiết để chống chủ nghĩa cá nhân. 
Bốn là, tích cực tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ. Mỗi đoàn viên, thanh niên luôn có thái độ cầu thị, học tập nâng cao trình độ về chính trị, văn hoá, khoa học, kĩ thuật và quân sự… để cống hiến ngày càng nhiều hơn cho Tổ quốc, cho nhân dân; gương mẫu trong việc thực thi nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân với tinh thần: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Xác định rõ trách nhiệm với tình cảm của lớp người đi trước, chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo. Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần giáo dục, răn đe đối với đoàn viên, thanh niên, đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Công tác kiểm tra, giám sát phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và phải bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và tổ chức thanh niên. Thông qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, sửa sai; đồng thời, phòng ngừa, ngăn chặn những trường hợp vi phạm khuyết điểm.  

Thạc sỹ. Nguyễn Thùy Duyên - Giảng viên khoa lý luận cơ sở
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, tập 10, tr.306.  
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.552.  
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập12, tr.557-558.  
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập12, tr.439.  
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập12, tr.438-439.  
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.292. 
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.173. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.185.
Thạc sỹ. Nguyễn Thùy Duyên - Giảng viên khoa lý lu
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017