THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 1585
Trong tháng: 55406
Tổng: 1319829
 
Bài viết chuyên đề
Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các Trường chính trị hiện nay

Ngày cập nhật: 05/12/2020

   

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ của đảng có vai trò quan trọng, trong mọi thời kỳ cách mạng. Hiện nay trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác này ngày càng cấp thiết. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đòi hỏi đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị cần phải nâng cao về số lượng, chất lượng trong giảng dạy, đào tạo đội ngũ cán bộ.

Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Bí thư đã nêu rõ một trong các nguyên nhân dẫn đến hạn chế của các trường chính trị tỉnh, thành phố như sau: “…đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhiều trường chính trị thiếu đồng bộ, nhiều biến động; một bộ phận giảng viên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn còn nhiều bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”.

Đội ngũ giảng viên ở các Trường Chính trị hiện nay còn những tồn tại, hạn chế như: Số lượng giảng viên có trình độ chuyên môn cao còn hạn chế, năng lực giảng dạy và kiến thức thực tiễn của một bộ phận giảng viên trẻ còn có những bất cập so với yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là đòi hỏi thiết thực vì năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo và khẳng định uy tín, vị thế, thương hiệu của Nhà trường.

Những yêu cầu cơ bản của người giảng viên ở trường Chính trị tỉnh trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường giai cấp công nhân kiên định; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng. Đây là yêu cầu hàng đầu của giảng viên chính trị hiện nay. Hơn ai hết đội ngũ giảng viên phải là người nắm vững và trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận; kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, chống đối của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, giảng viên phải là người có tư duy lý luận cao. Tư duy lý luận là hình thức cao nhất của tư duy. Nó là quá trình mà tư duy tiếp cận, nắm bắt nhận thức và tái tạo hiện thực khách quan bằng lý luận. Người giảng viên có vị trí, vai trò rất quan trọng, không chỉ đơn thuần nhận thức, phát hiện ra quy luật của thực tiễn mà giảng viên giảng còn có nhiệm vụ truyền đạt lại để học viên hiểu, nắm vững và biết vận dụng quy luật mới đó.

Thứ ba, giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải tinh thông nghiệp vụ sư phạm, thật sự yêu nghề và tâm huyết với nghề. Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên là phải có nghiệp vụ sư phạm, tức là có những kỹ năng và các phương pháp giảng dạy nhằm làm phong phú những nội dung của bài giảng, thay đổi cách học và phương pháp học, tạo sự hứng thú, tính chủ động, sáng tạo của học viên.

Thứ tư, giảng viên phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. Yêu nghề còn là cơ sở để các thầy, cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm với chuyên môn; nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực, trách nhiệm với nghề nghiệp. Học viên đến trường họ cần kiến thức nhưng họ cũng muốn ở người thầy một sự nhiệt tình trong bài giảng, một tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường.

Thứ năm, giảng viên Trường Chính trị tỉnh phải thật am hiểu thực tiễn xã hội. Học đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền và liên hệ với thực tiễn là phương châm giáo dục, giảng dạy được Bác Hồ và Đảng ta chỉ rõ. Thực tiễn là cái hồn, là hơi thở của cuộc sống cần được đưa vào các bài giảng để kiểm chứng tính đúng đắn, khoa học của lý luận. Do đó, để bài giảng sinh động, giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương. Sự liên hệ này có thể giảng viên đưa vào từng nội dung trong bài giảng hoặc gợi mở, đàm thoại với học viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước, từ đó khái quát làm sáng tỏ lý luận.

Thứ sáu, giảng viên phải là những người có khả năng và niềm say mê nghiên cứu khoa học. Học thuyết Mác không phải là những tín điều khô cứng, nó là một học thuyết mở, nó dạy cho con người ta phương pháp để tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, bổ sung, phát triển.

Xây dựng đội ngũ giảng viên ở các trường Chính trị tỉnh đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ cấp thiết. Các trường Chính trị tỉnh cần khảo sát chất lượng đội ngũ, từ đó có những biện pháp phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

-------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Lê Hữu Nghĩa (Chủ biên) (2004), Thời đại chúng ta và sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

 

ThS. Bùi Đức Dũng - Giảng viên khoa lý luận cơ sở
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017