THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 21
Trong tháng: 58225
Tổng: 1322648
 
Bài viết chuyên đề
Giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình hiện nay

Ngày cập nhật: 05/12/2020

   

Giá trị văn hóa là cái hình thành trong quá trình vận động của các cá nhân, nhóm và cộng đồng xã hội vươn tới thỏa mãn nhu cầu của mình. Do vậy, nói tới giá trị văn hóa là nói tới thành tựu của cá nhân hay dân tộc đã đạt được trong quan hệ với thiên nhiên, với xã hội và trong sự phát triển của bản thân mình, nói tới giá trị văn hóa cũng là nói tới thái độ, trách nhiệm và những quy tắc ứng xử của mỗi người trong quan hệ của bản thân với gia đình, xã hội và thiên nhiên; nói tới giá trị văn hóa cũng là nói tới những biểu tượng cho cái chân- thiện- mỹ. Các giá trị văn hóa có chức năng rất quan trọng giúp con người nhận thức, định hướng, đánh giá và điều chỉnh hoạt động của cá nhân và cộng đồng, có vị thế đặc biệt trong tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người. Các giá trị văn hóa này được lưu truyền trong xã hội qua các thời kì lịch sử và trở thành các giá trị văn hóa truyền thống. Giá trị văn hóa truyền thống chính là những tư tưởng, biểu tượng, giá trị, chuẩn mực xã hội…được cộng đồng tin tưởng và mong muốn giữ gìn, truyền đạt, noi theo. Việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống không phải để chép lại thụ động, giản đơn mà phải là phát huy tác dụng của nó đối với hiện tại và tương lai.

Thái Bình là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, có thể kể đến như truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong cải tạo thiên nhiên, trị thủy, lập làng, lao động sản xuất; tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Với bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng, Thái Bình là nơi sinh ra, nuôi dưỡng và chở che bao danh nhân, tuấn kiệt đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước. Thái Bình cũng là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Bắc Bộ. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn coi trọng, phát triển văn hóa; những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được gìn giữ, lưu truyền và phát huy.

Về di sản văn hóa phi vật thể ở Thái Bình tồn tại khá phong phú, toàn tỉnh Thái Bình hiện có trên 693 lễ hội, trong đó có 11 di sản văn hóa phi vật thể gồm: Lê hội đền Trần, tiên la (Hưng Hà), lễ hội chùa Keo (Vũ Thư), lễ hội đền A Sào, lễ hội đến Đồng Bằng, lễ hội đền Lộng Khê (Quỳnh Phụ), lễ hội làng Quang Lang (Thái Thụy), lễ hội làng Giắng, múa rối nước xã Đông Các và xã Nguyên Xá (Đông Hưng), lễ hội đền Sáo Dền (xã Song An huyện Vũ Thư) và ca trù tỉnh Thái Bình được đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thái Bình có đủ các lễ hội; lễ hội nhằm tái hiện cuộc sống nông nghiệp; lễ hội tôn vinh những người có công với dân, với nước, những anh hung dân tộc; lễ hội tái hiện phong tục tín ngưỡng; lễ hội đua tài, vui chơi giải trí…. Đây là môi trường sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của ông cha ta để lại, thu hút các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, qua đó giúp người dân hiểu hơn về văn hóa dân tộc.

Nông thôn là tầng nền lưu giữ, bảo vệ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới là một vấn đề lớn liên quan đến chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa và con người. Trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), có hai tiêu chí về văn hóa là tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí số 16 (thôn làng đạt văn hóa), mục tiêu là tạo không gian sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cho các tầng lớp nhân dân.

Trong những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích. Ngoài ngân sách trung ương, tỉnh cũng đã dành ngân sách cho việc tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia trọng điểm. Việc phân cấp quản lý di tích cho địa phương đã từng bước nâng cao trách nhiệm của chính quyền trong công tác quản lý di tích. Do đó, nhiều địa phương đã quan tâm đầu tư, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để tôn tạo, trùng tu di tích. Hội nghị tập huấn nghiệp vụ quản lý di sản văn hóa cho cán bộ quản lý được tổ chức thường niên, tăng cường, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật Di sản văn hóa cho người dân. Cơ sở vật chất để phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao đều được hoàn thiện và đáp ứng tiêu chí của nông thôn mới.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và nhà nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1412/QĐ-UBND, ngày 26/6/2015 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1997/QĐ-UBND, ngày 25/7/2017 phê duyệt Quy định hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 06/9/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Bình thay thế Quyết định số 06/QĐ-UBND được ban hành trước đó. Cùng với việc hướng dẫn cơ sở, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang phối hợp với các ban, ngành, địa phương triển khai tổ chức thí điểm xây dựng mô hình nhà văn hóa khu dân cư kiểu mẫu tại một số cơ cở thôn trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy sự quan tâm đúng mức tới việc xây dựng nếp sống văn hóa mà ở đó chứa đựng việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của Thái Bình nói chung và của mỗi địa phương trong tỉnh nói riêng.

Có thể thấy rằng việc xây dựng nông thôn mới không thể tách rời nền tảng văn hóa lâu đời của từng địa phương, mà thông qua xây dựng nông thôn mới, từng địa phương càng phải thực hiện tốt việc bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa bởi đó chính là "linh hồn" của làng quê. Ngược lại, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa cũng chính là gìn giữ những nét bản sắc của văn hóa truyền thống nông thôn trong thời kì mới. Thổi hồn văn hóa vào các thiết chế văn hóa, phát huy những mô hình văn hóa tiêu biểu, gìn giữ những nét đẹp thuộc về thuần phong mỹ tục ở từng làng quê trong mỗi mái ấm gia đình… chính là chúng ta đang kiến tạo một môi trường sống thân thiện, chan hòa yêu thương, lấy văn hóa làm chuẩn mực ở những làng quê nông thôn mới tươi đẹp.

Ths. Trần Thị Nhâm – Giảng viên khoa lý luận cơ sở
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017