THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 280
Trong tháng: 60917
Tổng: 1325340
 
Bài viết chuyên đề
Thực hành dân chủ trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày cập nhật: 09/02/2017

   

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người rất quan tâm đến vấn đề thực hành dân chủ trong Đảng. Hồ Chủ tịch định nghĩa dân chủ một cách dễ hiểu, dân chủ là "dân là chủ" và "dân làm chủ". Đây là quan niệm chính thức, ngắn gọn nhất phản ánh đúng nội dung, bản chất của dân chủ. Theo Bác, dân chủ vừa là mục đích, vừa là động lực, chìa khoá của sự phát triển, là “của báu” vì đó là lý tưởng, là ước vọng của toàn thể nhân dân ta về một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Thực hành dân chủ sẽ huy động và sử dụng được tối đa quyền hạn, lực lượng của toàn dân để thực hiện những nhiệm vụ cách mạng vì lợi ích của nhân dân.

Đối với công tác xây dựng Đảng, từ khi ra đời, Đảng ta là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi cách mạng thắng lợi, giành được chính quyền, Đảng ta trở thành đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo xã hội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Muốn lãnh đạo tốt, Đảng phải thực hành dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ trong đảng là quyền làm chủ của đảng viên trong tất cả các hoạt động của Đảng và "để làm cho đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình", thực hành dân chủ có tác dụng giải phóng tiềm năng, phát huy sức sáng tạo của nhân dân và trở thành động lực của sự tiến bộ, phát triển. Người yêu cầu mỗi đảng viên ở bất cứ địa vị nào cũng phải làm gương thực hành dân chủ. Đây là "cái chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn"(1), mọi công việc của Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân. Sở dĩ trong cán bộ, đảng viên, nhân dân "ít sáng kiến, ít hăng hái vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì cách lãnh đạo của ta không được dân chủ" (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Đảng phải xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ tức là thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể. Tập trung luôn phải đi đôi với mở rộng dân chủ vì dân chủ làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến; có sáng kiến mà được khen ngợi sẽ hăng hái làm việc, khuyết điểm nhỏ cũng tự sửa chữa được ít nhiều và "có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên"(3).

Trong công tác xây dựng Đảng, có lúc Hồ Chí Minh phê bình "cách lãnh đạo của ta không được dân chủ"(4), vẫn còn tình trạng quan liêu, cửa quyền, hách dịch với nhân dân, “lên mặt làm quan cách mạng” với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tác phong của những "ông quan liêu" là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách"(5). Từ đó dẫn đến việc lãnh đạo, điều hành theo cảm tính, mệnh lệnh, độc tài, vi phạm đến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thực hành dân chủ phải đi đôi với chống lại những yếu tố phi dân chủ, chống lại thói cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo và những tệ nạn như tham ô, quan liêu, lãng phí, đó là kẻ thù của nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: "chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ"(6) và để chữa căn bệnh đó, phương thuốc không gì khác hơn là thực hành dân chủ. Mặt khác, để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của đảng viên và nhân dân, phải loại trừ ngay những kẻ quan liêu hoá, thoái hóa, những kẻ "miệng nói dân chủ nhưng làm việc theo lối chủ quan". Người nói: "pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì"(7).

Nhưng dân chủ cũng phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật của Đảng. Kỷ luật chính là phương tiện để bảo vệ nền dân chủ, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Xã hội dân chủ là một xã hội có trật tự, kỷ cương, không phải là tự do muốn làm gì thì làm, không phải là vô chính phủ. Hồ Chí Minh khẳng định: phải kiên quyết thực hành kỷ luật trong Đảng, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Theo Người, không có sự thoả hiệp, lơi lỏng kỷ luật, kỷ cương dưới bất cứ danh nghĩa dân chủ nào. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự phải chuyên chính thực sự vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân"(8).

 Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cảnh báo việc không chấp hành, đứng trên dân chủ, vi phạm dân chủ và yêu cầu người đảng viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng. Từ đó phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan, phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói "cả vú lấp miệng em", ngăn cản quần chúng phê bình, đảng viên ở địa vị càng cao thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ. Tuy nhiên, Người cũng căn dặn: Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống, từ dưới lên. Sau hết là Đảng phải có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Trong thực hành dân chủ, phát huy quyền làm chủ của đảng viên, nhân dân phải có sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho quá trình thực hiện dân chủ được đúng hướng nhưng cũng phải loại bỏ tình trạng độc đoán chuyên quyền hoặc vì "sợ" mất dân chủ mà theo đuôi quần chúng, hoặc dân chủ quá trớn. Hồ Chí Minh nói: việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với quần chúng nhưng cán bộ, đảng viên tuyệt đối không được theo đuôi quần chúng vì "dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu"(9), không phải dân chúng nói gì ta cũng nhắm mắt nghe theo mà nên chọn ý kiến đúng. Do đó, dân chủ phải có tập trung, phải có lãnh đạo và đó là quá trình điều chỉnh tất yếu làm cho việc thực hành dân chủ được đúng hướng.

Quan điểm và chỉ đạo thực tiễn trên của Hồ Chí Minh cho thấy, Người không chỉ phát huy tác dụng của thực hành dân chủ mà còn làm cho nó trở thành phong trào trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; sử dụng quyền hành, lực lượng và phát huy trí tuệ của đảng viên, nhân dân để đạt được mục tiêu ai cũng được hưởng quyền tự do, dân chủ. Nhờ thực hành dân chủ mà việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng được tổ chức thành phong trào nhân dân rộng rãi, đưa cán bộ, đảng viên và Nhân dân trở thành chủ thể tự giác tham gia vào các hoạt động của Đảng.

Trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, Đảng phải lãnh đạo thực hiện dân chủ hóa trong toàn xã hội mà trước hết, Đảng phải là tấm gương thực hành dân chủ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung 4 Khóa XI về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay; thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư TW Đảng ngày 15 tháng 5 năm 2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM. Thực hành dân chủ, một mặt khẳng định hơn nữa quyền làm chủ của đảng viên và nhân dân lao động, mặt khác tạo điều kiện khắc phục những hạn chế, vi phạm dân chủ, phát huy sức sáng tạo của cá nhân và tập trung được trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, vì mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.       

 

* Tài liệu tham khảo:

(2), (4),(5),(7),(9) Hồ Chí Minh toàn tập (2002), NXB Chính trị Quốc gia, HN, tập 5, tr.243,641,296;

([1])  Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, tr.249;

(3)  Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 9, tr.230;



 

ThS. Lê Mai Phương Khoa xây dựng Đảng
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017