THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 118
Trong tháng: 58322
Tổng: 1322745
 
Bài viết chuyên đề
Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX

Ngày cập nhật: 09/11/2021

   

Từ những kết quả đạt được

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX,  cơ cấu kinh tế Thái Bình chuyển dịch tích cực, đúng hướng, các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá cao và toàn diện. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016 -2020) tăng 2,5%/năm, đang chuyển dần sang sản xuất hàng hoá gắn với tập trung, tích tụ đất đai và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỷ trọng giá trị chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp tăng cao; năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, trình độ kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mức độ cơ giới hóa tăng lên rõ rệt đến nay. Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm. Các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được đẩy mạnh triển khai; xuất hiện nhiều hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để tổ chức sản xuất với quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao. Diện tích đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung cao  gấp 10,7 lần so với năm đầu nhiệm kỳ. Tỉnh Thái Bình hiện có 13.998 ha (gấp 1,3 lần năm 2015) diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và cánh đồng có liên kết; diện tích cánh đồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ là 9.723 ha gấp 1,4 lần năm 2015; các mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức tập trung, ứng dụng công nghệ cao được nhân rộng; chăn nuôi trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết bước đầu được chú trọng. Chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn đạt kết quả bước đầu, đáng khích lệ. Năng lực khai thác đánh bắt hải sản xa bờ tiếp tục được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi được tăng cường chú trọng; trồng bảo vệ rừng phòng hộ ven biển được thực hiện tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh và đạt được những thành quả quan trọng. Đến hết năm 2019, đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước 3 năm so với mục tiêu Đại hội XIX; đặc biệt, 100% dân cư nông thôn được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, vượt trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội XIX. Xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu; hết năm 2020 có 12 xã (bằng 4,6% số xã trong tỉnh) đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Kinh tế nông thôn ngày càng phát triển với nhiều loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hoàn thiện bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên, đã rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng chưa cao. Tăng trưởng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng tăng chậm kém bền vững, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp còn thấp, đời sống nông dân ở một số nơi vẫn còn khó khăn, phương thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, hợp tác xã chậm phát triển; liên kết sản xuất kinh doanh nông nghiệp còn lỏng lẻo, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế chưa mang lại hiệu quả cao; sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản Thái Bình trên thị trường còn thấp.

Đến chủ trương…

Từ những đánh giá khách quan thành tựu đạt được, hạn chế, yếu kém và phân tích nguyên nhân, tiềm năng, lợi thế, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã thống nhất chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp là “Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao, có thương hiệu theo nhu cầu của thị trường(1). Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp Thái Bình có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Đồng thời “Phát huy tốt tiềm năng đất đai, mặt nước và truyền thống cần cù, trình độ thâm canh của người dân để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Chú trọng tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới để phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Có cơ chế chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệpcác hình thức góp vốn trong sản xuất nông nghiệp, kể cả góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất, phát huy lợi thế sản phẩm truyền thống, lợi thế vùng; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn, có thương hiệu theo nhu cầu của thị trường. Tiếp tục quy hoạch, thu hút đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, cơ cấu mùa vụ; mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây rau màu, cây dược liệu, cây nguyên liệu có giá trị kinh tế cao; khắc phục tình trạng để ruộng hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả. Tiếp tục làm tốt công tác trồng bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó với tình trạng nhiễm mặn và biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả, an toàn dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường; hỗ trợ, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học, công nghệ cao và an toàn sinh học. Cơ cấu lại đàn vật nuôi, phát triển mạnh đàn trâu, bò. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao năng lực đánh bắt thuỷ sản tầm trung và xa bờ. Đầu tư nâng cấp hệ thống cảng cá và các khu neo đậu tàu, thuyền. Chú trọng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ ngư trường, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi đánh bắt, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo tuân thủ đúng luật pháp quốc tế(2).

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021– 2025 là: “Tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hoá. Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; lựa chọn xây dựng và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã có điều kiện. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chú trọng phát triển ngành, nghề nông thôn; duy trì, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với xử lý ô nhiễm môi trường và phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ ở nông thôn. Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn ngân sách với các nguồn lực khác để duy tu, bảo dưỡng nâng cấp và đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn(3). Xây dựng nông thôn mới bền vững là quá trình tiếp tục củng cố và phát triển hài hòa các tiêu chí đã đề ra, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, bổ sung một số tiêu chí phản ánh mức độ hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Theo đó, không dừng lại xây dựng nông thôn mới để bền vững và phát triển, Đảng bộ tỉnh chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại. Chủ trương này phù hợp với thực tiễn của tỉnh khi chúng ta Hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt trước ba năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX đề ra, diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng được cải thiện theo hướng văn minh hiện đại”(4).

Và một số giải pháp

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa... Do đó, giải quyết các vấn đề về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh. Trong thời gian tới, để xây dựng nền nông nghiệp Thái Bình phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn, cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện, cụ thể là:

Một là, cần quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh Thái Bình và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chủ trương, đường lối thực hiện phát triển nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Hai là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Trọng tâm là khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp và các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Phát triển và đổi mới các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng tới việc tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng bảo đảm gắn với chế biến và tiêu thụ. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện phương châm “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững. Tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa tăng khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bốn là, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Năm là, tiếp tục huy động đa dạng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mới để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Có cơ chế phù hợp để huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách: tín dụng, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ quốc tế, vận động đóng góp từ người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường.

Sáu là, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về nông nghiệp nông thôn. Nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp, ra sức tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới bền vững. Thực hiện nghiêm các Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực.


-------

Thạc sỹ. Nguyễn Thùy Duyên - Giảng viên khoa lý luận cơ sở


Tài liệu tham khảo.

(1), (2), (3), (4): Văn kiện đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình XX, Thái Bình, 2020, tr.67, 67-68, 69,125.

 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017