THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP:
Trong ngày: 401
Trong tháng: 56800
Tổng: 1321223
 
Bài viết chuyên đề
Nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng của giảng viên trẻ ở Trường Chính trị tỉnh Thái Bình

Ngày cập nhật: 27/11/2020

   

Công tác giảng dạy lý luận chính trị trong môi trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên có nhiều điểm khác biệt so với đối tượng giáo dục là học sinh, sinh viên cả về nội dung và phương pháp. Để một bài giảng đạt chất lượng, hiệu quả cao, hoạt động giảng dạy các môn học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, năng lực của người giảng viên là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh hoạt động tìm hiểu, nắm rõ đối tượng học viên và sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, giảng viên còn phải thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn. Việc nâng cao tính thực tiễn trong các bài giảng là yêu cầu cần thiết nhằm hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng hướng tới mục tiêu làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên “phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp cách mạng”.

Gắn lý luận với thực tiễn là vấn đề không đơn giản, nhất là đối với viêc giảng dạy các môn học trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đang được triển khai thực hiện tại các trường chính trị cấp tỉnh. Nhiệm vụ của người giảng viên là cụ thể hóa, đơn giản hóa những kiến thức lý luận để học viên dễ tiếp thu và dễ vận dụng vào quá trình công tác. Muốn làm tốt được điều này, đòi hỏi người giảng viên phải có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy  mới có thể vận dụng tốt những kiến thức thực tiễn vào bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn.

Trong những năm gần đây, đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Thái Bình có sự chuyển giao thế hệ: những giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm đã nghỉ chế độ hưu trí và được thay thế dần bởi đội ngũ giảng viên trẻ. Về ưu điểm, hầu hết giảng viên trẻ của trường đều được đào tạo cơ bản ở trình độ cử nhân, thạc sĩ tại các cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng hàng đầu của cả nước và phù hợp với chuyên ngành giảng dạy. Thực tế cho thấy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, đội ngũ giảng viên trẻ tại Trường Chính trị tỉnh Thái Bình là những người năng động, tích cực, nhiệt tình trong công tác, hăng hái phấn đấu rèn luyện về chuyên môn, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các giảng viên trẻ luôn có tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe, học hỏi, sáng tạo trong việc tìm tòi cái mới, nhanh chóng trong tiếp cận và xử lý thông tin, kết hợp linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực khác nhau; sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại, tự trau dồi kiến thức cho bản thân.

Tuy nhiên, trong công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Bởi lẽ, đối tượng tác động trong giáo dục của Nhà trường chủ yếu là những cán bộ của Đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở. Về tuổi đời, nhiều học viên còn lớn hơn nhiều so với các giảng viên trẻ. Cùng với đó, học viên có thể còn thiếu tri thức lý luận nhưng kiến thức thực tiễn lại vô cùng phong phú. Trong khi đó, những giảng viên trẻ, kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm giảng dạy còn ít, chưa được va vấp nhiều, chưa được tiếp cận và trải nghiệm nhiều với các công việc thực tế ở địa phương nên hầu hết các bài giảng còn mang tính lý luận, khô khan, trừu tượng, thiếu tính sinh động của thực tiễn. Hơn nữa, để đưa được những kiến thức thực tiễn vào bài giảng, làm cho bài giảng thêm sinh động, phát huy được năng lực của học viên không phải là điều có thể thực hiện trong một thời gian ngắn mà cần có sự tích luỹ của bản thân mỗi giảng viên và cần có sự hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ từ nhiều phía.

Do đó, để nâng cao tính thực tiễn trong các bài giảng của giảng viên trẻ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, mỗi giảng viên, nhất là các giảng viên trẻ phải tự mình trau dồi kiến thức lý luận, bởi lẽ muốn vận dụng được những kiến thức thực tiễn vào bài giảng thì đòi hỏi giảng viên phải nắm chắc lý luận. Cần đọc nhiều tài liệu để có kiến thức phong phú trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các tài liệu của tỉnh có liên quan đến mỗi bài giảng, nhằm nắm được tình hình kinh tế - xã hội chung của tỉnh và của từng địa phương, đơn vị trong tỉnh. Từ đó, giảng viên sẽ có những ví dụ sinh động, sát thực cho bài giảng. Chủ động, tích cực đi nghiên cứu thực tế và trong mỗi chuyến đi ấy cần xác định trước nội dung mà mình muốn tìm hiểu. Tích cực tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, các hội thảo khoa học để trau dồi thêm kiến thức cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Trong quá trình lên lớp, cần sang tạo, linh hoạt kết hợp các phương pháp giảng dạy để có thể thu thập thêm kiến thức thực tiễn từ phía học viên thông qua quá trình thảo luận, trao đổi.

Hai là, các khoa phụ trách chuyên môn thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn, thông qua bài soạn, dự giảng, trao đổi, góp ý để các giảng viên trẻ nắm vững chuyên môn và rút kinh nghiệm sau mỗi bài giảng của mình.

Ba là, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường tiếp tục động viên, tạo điều kiện về mọi mặt để giảng viên trẻ có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị, được tham dự các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường các hoạt động phối hợp tổ chức để đội ngũ giảng viên nói chung, giảng viên trẻ nói riêng thâm nhập thực tế tại các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh với những nội dung thực tế sát, phù hợp với mỗi chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Giảng viên trẻ là một bộ phận quan trọng trong lực lượng giảng viên của nhà trường, đội ngũ này đã và đang dần trưởng thành về mọi mặt. Nâng cao hơn nữa  tính thực tiễn trong mỗi bài giảng của giảng viên trẻ ở mỗi chương trình đào tạo, bồi dưỡnghoạt động quan trọng trong công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Thái Bình hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện để lực lượng này thực sự là đội ngũ kế cận - những người viết tiếp truyền thống của Trường Chính trị tỉnh Thái Bình./.
Th.s Bùi Thị Quý - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
 
Bản quyền thuộc Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Địa chỉ: Số 332, đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, Thành Phố Thái Bình
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Đức Luận
Chức vụ: Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình
Điện thoại: 02273.738.190
Giấy phép xuất bản số 26/GP-TTĐT của Sở Thông Tin và Truyền Thông ngày 23 tháng 5 năm 2017